Quy định về án treo
Thứ nhất, “án treo” không phải là hình phạt.
Án treo chỉ là biện pháp “miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Điều kiện mà pháp luật quy định đó chính là “thời gian thử thách”.
Có thể nói hình phạt tù mà toà án án cho bị cáo được hưởng án treo là “tạm thời” chưa bắt bị cáo phải chấp hành mà “treo lên đó”, nếu trong thời gian thử thách mà bị cáo phạm tội mới thì mới bắt bị cáo chấp hành, nếu hết thời gian thử thách mà bị cáo không phạm tội mới nữa thì coi như không bị phạt tù.
Thời gian thử thách dài hay ngắn, ngoài giới hạn của pháp luật (từ một năm đến năm năm), còn phụ thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, vào các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, và đặc biệt là nhân thân của người phạm tội.
Thứ hai, thời gian thử thách không phải là thời gian mà người được hưởng án treo “thi hành” hay “chấp hành” hình phạt tù được hưởng án treo.
Khoản 5 Điều 60 Bộ luật hình sự 1999 quy định: “Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì Toà án quyết định buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của Bộ luật này”.
Khoản 6.3 Điều 6 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP: “6.3. Đối với người được hưởng án treo mà phạm tội mới trong thời gian thử thách, thì trong mọi trường hợp Toà án quyết định buộc họ phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 51 của BLHS”.
Theo đó, trong trường hợp hai người bị án treo 6 tháng và thời gian thử thách là 12 tháng. Một người chấp hành thời gian thử thách đến tháng thứ 10 thì phạm tội mới, một người đến tháng thứ 4 phạm tội mới. Khi đó, hai người đều phải buộc chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới, chứ không có gì khác nhau.
Bởi dù là thời gian thử thách được 6 tháng hay 10 tháng thì vẫn là chưa hoàn thành xong thời gian thử thách là 12 tháng. Và việc phạm tội mới cho thấy bị cáo không thực hiện đúng điều kiện thử thách, không tỏ ra ăn năn hối cải, không tự mình rèn luyện, sửa chữa sai lầm, nên sẽ phải buộc chấp hành hình phạt.
Thư Viện Pháp Luật