Đưa hối lộ có phạm tội không?
Nếu nhìn từ khía cạnh khuyến khích người dân tố cáo tham nhũng thì việc xử lý hình sự người đưa hối lộ là không cần thiết. Tuy nhiên, nếu xét từ khía cạnh quản lý nhà nước, duy trì trật tự, an toàn xã hội thì hành vi đưa hối lộ cũng là loại hành vi nguy hiểm cho xã hội vẫn rất cần thiết phải xử lý hình sự. Có thể nói "đưa" và "nhận" hối lộ bản chất như anh em sinh đôi.
Đưa hối lộ là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức, làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín. Do đó, Bộ luật hình sự năm 1999 quy định đưa hối lộ cũng là tội phạm và phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể là Điều 289 Bộ luật hình sự quy định: "Người nào đưa hối lộ mà của hối lộ có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc vi phạm nhiều lần, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm". Theo đó, người đưa hối lộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong trường hợp người đưa hối lộ đi tố cáo người nhận hối lộ thì căn cứ vào Khoản 6 Điều 289 Bộ luật hình sự: "Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ. Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ".
Như vậy, tùy vào từng trường hợp người đưa hối lộ đi tố cáo sẽ giải quyết như sau:
- Việc người đưa hối lộ bị ép buộc đưa hối lộ đi tố cáo người nhận hối lộ trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội.
- Trường hợp người đưa hối lộ không bị ép buộc nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Thư Viện Pháp Luật