Công an có được khám nhà người dân giữa đêm?
Khoản 1 và khoản 4 điều 26 về Kiểm tra cư trú của Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09 tháng 09 năm 2014 “Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật Cư trú và Nghị định số 31/2014/nđ-cp ngày 18 tháng 4 năm 2014 của chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật cư trú” quy đinh:
Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.
Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.
“Theo quy định này, thời gian để kiểm tra tạm trú, tạm vắng của Cảnh sát khu vực không quy định giới hạn khoảng thời gian nào trong ngày. Tuy nhiên với lý do kiểm tra giấy tờ tùy thân, kiểm tra việc đăng ký tạm trú của người dân thì cảnh sát khu vực có thể lựa chọn giờ hành chính hoặc tránh khung giờ đêm từ 22 đến 5 h sáng để tránh gây xáo trộn cuộc sống người dân” – luật sư Lực nêu quan điểm.
Có quyền từ chối không mở cửa
"Nếu Công an không có lệnh khám chỗ ở, Công dân có quyền từ chối không mở cửa"
Luật sư Lực phân tích: hợp tác với cơ quan Công an trong lĩnh vực đấu tranh phòng chống tội phạm là trách nhiệm của công dân. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định quyền của người dân về chỗ ở và bảo vệ quyền riêng tư. Nếu pháp luật quy định và Công an nêu được lý do, căn cứ pháp lý, giấy tờ có giá trị về quyền được kiểm tra thì người dân phải có trách nhiệm hợp tác, hỗ trợ lực lượng công an làm nhiệm vụ. Nếu lực lượng công an không có lệnh, không có căn cứ pháp lý về việc kiểm tra, khám chỗ ở thì Công dân có quyền từ chối không mở cửa.
Theo luật sư Quách Thành Lực, Công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Điều này được ghi nhận tại điều 22 hiến pháp năm 2013:
“2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
3. Việc khám xét chỗ ở do luật định.”
Việc khám xét chỗ chỗ ở phải có lệnh của người có thẩm quyền và chỉ được giới hạn trong một số trường hợp nhất định. Nếu lực lượng Công an đến yêu cầu làm việc thì người dân cần phải tìm hiểu rõ lực lượng công an đến làm việc với lý do và căn cứ gì để có những ứng xử phù hợp.
Luật sư Lực dẫn khoản 3 điều 26 về Kiểm tra cư trú của Thông tư số 35/2014/TT-BCA thì kiểm tra cư trú là: “3. Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.”
“Theo quy định trên đây thì nếu Công an kiểm tra tạm trú, tạm vắng thì công dân chỉ cần xuất trình giấy tờ theo yêu cầu; lực lượng Công an muốn vào chỗ ở của Công dân khi kiểm tra tạm trú tạm vắng thì phải được sự đồng ý của họ.
Cảnh sát khu vực muốn vào nhà của công dân trong trường hợp kiểm tra tạm trú, tạm vắng cần phải sự đồng ý của người chủ nhà hoặc chủ sử dụng. Thực tế người dân hoàn toàn có thể giao tiếp với lực lượng công an ở trước cửa nhà mình mà không nhất thiết phải tiếp xúc trong nhà mình” – luật sư Lực cho biết.
Thư Viện Pháp Luật