Rắc rối hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình
Về trường hợp của bạn luật sư dân sự Công ty luật Thái An tư vấn như sau.
Quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình nên việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải tuân theo quy định tại Ðiều 109 Bộ luật Dân sự về chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của hộ gia đình:
- Các thành viên của hộ gia đình chiếm hữu và sử dụng tài sản chung của hộ theo phương thức thỏa thuận.
- Việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ mười lăm tuổi trở lên đồng ý.
Như vậy, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của hộ gia đình thì phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên trong hộ gia đình. Ở nước ta, việc xác định chủ sở hữu tài sản chung của hộ gia đình được căn cứ “sổ hộ khẩu” gia đình. Điều này có nghĩa là, những thành viên có tên trong sổ hộ khẩu gia đình tại thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền đất mang tên “Hộ gia đình” sẽ là những người có quyền sở hữu/sử dụng chung tài sản đó.
Với trường hợp của bạn, sổ hộ khẩu gia đình chỉ có 3 người là bố và 2 con thì cả 3 người này sẽ là chủ sử dụng thửa đất chung đó. Tuy nhiên, mặc dù vợ không đứng tên trong sổ hộ khẩu gia đình, nhưng vợ chồng đã kết hôn và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp năm 1994 nên quyền sử dụng đất này được coi là tài sản chung vợ chồng, do đó, người vợ cũng là một trong các đồng chủ sử dụng thửa đất của hộ gia đình.
Bởi thế, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất hộ gia đình thì cả bố, mẹ và các con đều phải ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Hợp đồng chuyển nhượng được lập từ năm 2012 không có đầy đủ các thành viên trong hộ gia đình ký vào nên không thể coi là hợp đồng hợp pháp. Bạn phải lập lại hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mới để tất cả các thành viên trong hộ gia đình cùng ký, sau đó mới có thể tiến hành thủ tục đăng ký sang tên tại cơ quan có thẩm quyền (Văn phòng đăng ký nhà đất) theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật