Có được chuyển nhượng lại lô đất vừa trúng thầu?

Anh Nguyễn Đăng Cương - Giám đốc Cty truyền thông Anh Vũ đang có vướng mắc về các vấn đề liên quan đến đất đai và quyền sở hữu, muốn được hỏi Luật sư như sau: Công ty chúng tôi trúng thầu hai lô đất ở khu tập trung sản xuất làng nghề Triều Khúc. Do sản xuất khó khăn nên Công ty đã chuyển nhượng cho một cá nhân và làm hợp đồng ủy quyền cho phép họ toàn quyền sử dụng 2 lô đất đó. Hai bên mới chỉ làm hợp đồng đặt cọc và Hợp đồng ủy quyền. Theo chủ trương, chính sách của nhà nước hai lô đất đó không được mua bán, chuyển nhượng. Hỏi: - Cty có quyền chuyển nhượng 2 lô đất đó không ? - Nguyên tắc hợp đồng ủy quyền có giá trị pháp lý mức độ nào ? - Cty chúng tôi có quyền đơn phương hủy hợp đồng ủy quyền không ?

 Theo nội dung câu hỏi và dữ kiện ông nêu ra có thể được hiểu như sau: Công ty của ông đã đấu thầu thành công 2 lô đất khu tập trung sản xuất làng nghề Triều Khúc, Thanh Xuân, Hà Nội, Theo ông thì quy định 2 lô đất đó không được mua bán, chuyển nhượng, song không nêu được quy định của cấp nào? quy định trước khi cho đấu thầu đất hay sau khi đấu thầu?. Nếu cấp có thẩm quyền quy định không được mua bán, chuyển nhượng các lô đất đấu thầu khu tập trung sản xuất làng nghề Triều Khúc thì phải chấp hành nghiêm chỉnh. Nếu Công ty của ông chuyển nhượng lô đất đã trúng thầu cho bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào 2 lô đất trên là vi phạm.

Hai bên Công ty ông và một người…mới làm Hợp đồng đặt cọc.

Hợp đồng đặt cọc được quy định tại Điều 358 Bộ luật Dân sự năm 2005 (sau gọi tắt BLDS). Nội dung Hợp đồng đặt cọc là sự thỏa thuận của hai bên. Một bên giao một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị cho bên kia trong một thời hạn nhất định để thực hiện Hợp đồng dân sự. Nếu một trong hai bên từ chối giao kết hoặc vi phạm những điều hai bên quy định trong hợp đồng dân sự thì bị mất tiền đặt cọc hoặc bị phạt cọc…

+ Hợp đồng ủy quyền được quy định tại Điều 581 BLDS: Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc và nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Theo quy định tại Điều 582 BLDS Thời hạn ủy quyền, nếu các bên không có thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực là một năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền.

+ Điều 588 BLDS năm 2005: Đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền. Nội dung điều luật quy định bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền đều được đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền, nhưng phải báo cho bên kia một thời gian hợp lý.

Ngoài ra Điều 589 BLDS quy định Chấm dứt hợp đồng ủy quyền: Hợp đồng ủy quyền hết hạn, công việc ủy quyền đã hoàn thành, một trong các bên đơn phương chấm dứt hợp đồng, một trong hai bên chết hoặc bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc đã chết.

Như vậy, theo quy định tại Điều 588 BLDS thì Công ty của ông được đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền đã ký.

+ Giá trị pháp lý hợp đồng ủy quyền được quy định tại Điều 584 đến 587 BLDS về quyền, nghĩa vụ của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền các bên phải tuân thủ đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình đã được pháp luật quy định. Nếu bên nào vi phạm làm thiệt hạibên kia phải bồi thường thiệt hại cho bên kia…và các khoản chi phí khác...

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào