Thủ tục đăng ký kết hôn theo luật Hôn nhân và Gia đình mới

Tôi là Nguyễn Văn Nam, năm nay 33 tuổi và bạn gái tôi năm nay 25 tuổi. Tôi ở Nghệ An và đã chuyển hộ khẩu sang tỉnh Thanh Hóa được 2 năm. Bạn gái tôi có hộ khẩu ở tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi đang có dự định kết hôn. Xin được tư vấn cho tôi về thủ tục kết hôn mới nhất theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Về điều kiện kết hôn:

Theo quy định tại Điều 8, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 (Luật HNGĐ 2014), để đăng ký kết hôn, hai bạn phải đủ điều kiện kết hôn.

Theo đó, hai bạn phải thỏa mãn các điều kiện về độ tuổi, ý chí tự nguyện, năng lực hành vi dân sự và không thuộc các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật HNGĐ.

Các trường hợp cấm kết hôn bao gồm: kết hôn giả tạo, tảo hôn, cưỡng ép, lừa dối kết hôn; người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; kết hôn người có cùng dòng máu về trực hệ, có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

Điều kiện kết hôn căn cứ vào Điều 8 Luật HNGD 2014 như sau:

“Điều 8. Điều kiện kết hôn

1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.

2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.

Về thủ tục đăng ký kết hôn:

Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Nếu việc kết hôn không được đăng ký theo quy định của pháp luật thì không có giá trị pháp lý.

Căn cứ vào Điều 17, Điều 18 Nghị định số 8013/VBHN-BTP về Quản lý hộ tịch ngày 10 tháng 12 năm 2013, hai bạn sẽ đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ.

Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú (Điều 12 Luật Cư trú).

Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải nộp Tờ khai (theo mẫu) và xuất trình Giấy chứng minh nhân dân. Trong trường hợp một người cư trú tại xã, phường, thị trấn này, nhưng đăng ký kết hôn tại xã, phường, thị trấn khác, thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi cư trú về tình trạng hôn nhân của người đó.

Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể xác nhận trực tiếp vào Tờ khai đăng ký kết hôn hoặc bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.

Việc xác nhận tình trạng hôn nhân có giá trị 6 tháng, kể từ ngày xác nhận.

Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

Khi đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã yêu cầu hai bên cho biết ý muốn tự nguyện kết hôn, nếu hai bên đồng ý kết hôn, thì cán bộ Tư pháp hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký kết hôn và Giấy chứng nhận kết hôn.

Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn, giải thích cho hai bên về quyền và nghĩa vụ của vợ, chồng theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp theo yêu cầu của vợ, chồng.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thủ tục đăng ký kết hôn

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào