Có phải xét nghiệm ADN khi làm thủ tục nhận cha cho con?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 90 Luật Hôn nhân gia đình 2014 thì con có quyền nhận cha, mẹ. Việc xác nhận cha cho con có thể có tranh chấp hoặc không có tranh chấp. Vì vậy, có hai trường hợp có thể xảy ra là:
Trường hợp 1: Không có tranh chấp về xác định cha cho con:
Mục 6 Nghị định 158/2005/NĐ-CP ( sửa đổi bổ sung bởi NĐ 06/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2012) về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định như sau:
+ Điều kiện đăng ký việc xác nhận cha cho con:
- Việc nhận cha, mẹ, con theo quy định tại Mục này được thực hiện, nếu bên nhận, bên được nhận là cha, mẹ, con còn sống vào thời điểm đăng ký nhận cha, mẹ, con và việc nhận cha, mẹ, con là tự nguyện và không có tranh chấp.
- Người con đã thành niên hoặc người giám hộ của người con chưa thành niên hoặc đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự cũng được làm thủ tục nhận cha, mẹ theo quy định tại Mục này, trong trường hợp cha, mẹ đã chết; nếu việc nhận cha, mẹ là tự nguyện và không có tranh chấp.
+ Hồ sơ đăng ký nhận cha cho con bao gồm:
1. Tờ khai đăng ký nhận cha, con (theo mẫu).
2. Giấy khai sinh của cháu bé (bản chính hoặc bản sao).
3. Các giấy tờ, đồ vật hoặc các chứng cứ khác để chứng minh quan hệ cha, con (nếu có).
Như vậy, pháp luật về hộ tịch không quy định khi nhận cha, mẹ, con, đương sự bắt buộc phải xác định ADN. Do đó, đối với trường hợp không có tranh chấp về xác định cha, mẹ, con thì không bắt buộc phải xác định ADN.
Trường hợp 2: Có tranh chấp về xác định cha cho con:
Trong trường hợp này bạn cần làm đơn khởi kiện ra Tòa án để đề nghị giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự. Trong đó, hồ sơ khởi kiện bao gồm:
1. Đơn khởi kiện.
2. CMND, sổ hộ khẩu hoặc hộ chiếu (bản sao có công chứng, chứng thực).
3. Tài liệu chứng minh yêu cầu khởi kiện: giấy khai sinh của cháu bé, xác nhận của những người biết về sự việc, giấy chứng tử của cha cháu bé (trường hợp cha cháu bé mất), phiếu xét nghiệm ADN (nếu có)...
Có thể thấy, cũng tương tự như ở trường hợp không có tranh chấp về việc nhận cha cho con, ở trường hợp này, con của bạn cũng không bắt buộc phải xét nghiệm ADN. Tuy nhiên, tại Điều 90 Bộ luật tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi và bổ sung năm 2011), theo sự thỏa thuận lựa chọn của các bên đương sự hoặc theo yêu cầu của một bên đương sự, cháu bé sẽ phải xét nghiệm ADN để giải quyết việc xác nhận cha cho con.
Thư Viện Pháp Luật