Công ty có quyền giữ bằng gốc của tôi khi xin việc?
Hiện nay, có rất nhiều bạn đi xin việc đều gặp hoàn cảnh tương tự như bạn. Đối tượng không chỉ là các bạn sinh viên mới ra trường mà còn có những người đã có kinh nghiệm làm việc rồi.
Về vấn đề này Điều 20 Bộ Luật Lao động 2012 quy định: “Những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động: Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động; Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động”.
Khi bị phát hiện có hành vi này, các cơ quan tuyển dụng có thể bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểmxã hội:
“Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
- Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;
- Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Ngoài hình thức xử phạt bằng tiền pháp luật còn buộc họ phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả:
- Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này;
- Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này”.
Như vậy, việc công ty muốn lưu giữ bằng gốc của bạn là trái với quy định của pháp luật và bạn nên cẩn thận với những trường hợp như thế này, vì rất nhiều công ty bắt buộc bạn phải nộp tiền để chuộc thì mới trao trả bằng, hoặc có thể làm mất bằng tốt nghiệp.
Thư Viện Pháp Luật