Làm thế nào nếu mua phải tài sản của người trộm cắp?
Chào bạn, về câu hỏi của bạn tôi tư vấn như sau: Trong trường hợp chiếc tivi bạn mua thuộc sở hữu hợp pháp của người bán thì dù sau đó người bán đó bị bắt về tội trộm cắp thì bạn cũng không liên quan gì vì chiếc tivi không phải là tang vật của vụ án.
Trong trường hợp chiếc tivi được xác định là tài sản của người bán trộm cắp được sau đó bán cho bạn thì bạn sẽ là người liên quan đến vụ án, và chiếc tivi đó được coi là tang vật của vụ án, về nguyên tắc sẽ được thu hồi để trả lại cho người bị mất trộm.
Nếu khi mua chiếc tivi, bạn không biết đây là tài sản trộm cắp, không tham gia vào việc trộm cắp thì bạn không phạm tội, giao dịch mua bán của bạn được coi là giao dịch mua bán ngay tình.
Trong trường hợp chiếc tivi bị thu hồi để trả lại cho người mất, bạn được quyền yêu cầu người bán hoàn lại cho bạn số tiền 3 triệu đồng bạn đã trả để mua chiếc tivi đó.
Điều 250. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có
1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm .
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp ;
c) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị lớn;
d) Thu lợi bất chính lớn;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị rất lớn;
b) Thu lợi bất chính rất lớn.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Tài sản, vật phạm pháp có giá trị đặc biệt lớn;
b) Thu lợi bất chính đặc biệt lớn.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản hoặc một trong hai hình phạt này.
(Trích Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009)
Thư Viện Pháp Luật