Phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo quy định tại khoản 4 Điều 230 BLHS
Phạm tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự theo khoản 4 Điều 230 Bộ luật hình sự có các trường hợp cụ thể sau
Do Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ cấu tạo 3 khoản, trong đó các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt của khoản 3 Điều 95 được quy định lại tại khoản 4 Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 nên các tình tiết quy định tại khoản 3 Điều 230 được coi là mới. Nếu vận dụng Thông tư liên ngành 01/TTLN ngày 07-01-1995 hướng dẫn trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 thì việc xác định tình tiết “vật phạm pháp có số lượng rất lớn” và “gây hậu quả rất nghiêm trọng” quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 phải xem xét lại và như vậy sẽ rất phức tạp. Nhưng nếu vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07-01-1995 hướng dẫn trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 thì việc xác định trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 tương đối đơn giản.
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn
Do chưa có hướng dẫn chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự bao nhiêu là đặc biệt lớn và nếu vận dụng Thông tư liên ngành số 01/TTLN ngày 07-01-1995 hướng dẫn trường hợp phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 95 Bộ luật hình sự năm 1985 để xác định trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 230 Bộ luật hình sự năm 1999 thì được coi là vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn nếu chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự gấp ba lần mức quy định tại khoản 3 của điều luật. Ví dụ: trên 75 khẩu súng bộ binh, súng bắn phát một; trên 45 khẩu súng liên thanh cá nhân như trung liên, tiểu liên các loại; trên 30 khẩu súng bộ binh khác như thượng liên, đại liên, B40, B41, 12ly7, 14ly5; trên 150 quả lựu đạn, đạn cối, đạn pháo đến 100 ly; trên 45 quả đạn cối, đạn pháo; trên 4500 viên đạn bộ binh từ đại liên trở xuống; trên 3000 viên đạn 12ly7, 14ly5, 23ly, 24ly (không phải đạn pháo); trên 225kg thuốc nổ các loại; trên 15000 kíp mìn, nụ xòe; trên 45.000 dây cháy chậm, dây nổ.
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Cũng như đối với trường hợp gây hậu quả rất nghiêm trọng, trong khi chưa có hướng dẫn thì có thể vận dụng Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP đối với trường hợp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự gây ra.
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 230, người phạm tội bị phạt tù từ mười lăn năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Khi quy định hình phạt đối với người phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật cần chú ý:
Nếu chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể thì có thể được áp dụng hình phạt dưới mười lăm năm tù nhưng không được dưới mười năm. Nếu thuộc cả hai trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật hoặc tuy chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 của điều luật và người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức đội giảm nhẹ không đáng kể, thì có thể bị phạt đến tù chung thân.
Thư Viện Pháp Luật