Văn phòng đại diện có được ký hợp đồng mua bán?
Văn phòng đại diện là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo uỷ quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Điều 17 Luật thương mại 2005 quy định về quyền của văn phòng đại diện gồm:
" 1. Hoạt động đúng mục đích, phạm vi và thời hạn được quy định trong giấy phép thành lập Văn phòng đại diện.
2. Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Văn phòng đại diện.
3. Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
4. Mở tài khoản bằng ngoại tệ, bằng đồng Việt Nam có gốc ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam và chỉ được sử dụng tài khoản này vào hoạt động của Văn phòng đại diện.
5. Có con dấu mang tên Văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật Việt Nam.
6. Các quyền khác theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, Văn phòng đại diện không có chức năng kinh doanh. Hoạt động mua bán hàng hóa là hoạt động sinh lợi. Do đó, Văn phòng đại diện của công ty bạn không thể đương nhiên thay mặt cho công ty ở Thái Lan để ký kết hợp đồng mua bán.
Tuy nhiên, việc ký hợp đồng để mua bán hàng hóa vẫn có thể được thực hiện. Khoản 3, Điều 20 NĐ 72/2006/NĐ-CPquy định “Trong trường hợp thương nhân nước ngoài ủy quyền cho người đứng đầu Văn phòng đại diện giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết thì phải thực hiện việc ủy quyền bằng văn bản cho từng lần giao kết hợp đồng, sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã giao kết”. Như vậy, nếu có hợp đồng ủy quyền của thương nhân nước ngoài thì người đứng đầu Văn phòng đại diện có thể thay mặt công ty ký hợp đồng mua bán. Cần lưu ý rằng: việc ký kết hợp đồng của người đứng đầu Văn phòng đại diện trong trường hợp này là nhân danh công ty, chứ không phải nhân danh Văn phòng đại diện.
Thư Viện Pháp Luật