Có được ký kết hợp đồng lao động với người không biết chữ?

Tôi năm nay 30 tuổi, đã lập gia đình và có hai con nhỏ. Vì bận công việc nên vợ chồng tôi quyết định thuê người giúp việc. Chúng tôi đã tìm được người và muốn ký hợp đồng lao động để đảm bảo sẽ làm việc lâu dài. Tuy nhiên, người đó lại không biết chữ . Vậy người không biết chữ có được ký hợp đồng lao động không? Pháp luật có quy định như thế nào về việc này? Và nội dung chính của hợp đồng lao động gồm những gì? (ngoclan…[email protected]).

Bộ luật lao động 2012 không có điều khoản nào cấm ký kết hợp đồng lao động với người không biết chữ. Họ có quyền ký kết hợp đồng lao động, có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của người lao động. Do đó, vợ chồng bạn có thể ký kết hợp đồng bình thường với người giúp việc đó.

Theo Quy định chi tiết tại Thông tư số 19/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Bộ luật Lao động và Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều Bộ luật lao động về lao động là người giúp việc gia đình thì người lao động giúp việc không biết chữ sẽ được ký hợp đồng lao động và tuân theo các trình tự thủ tục sau:

Việc ký kết hợp đồng lao động với người lao động không biết chữ quy định tại Khoản 1 Điều 5 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định như sau:

- Người sử dụng lao động đọc đầy đủ, rõ ràng toàn bộ nội dung hợp đồng lao động để người lao động nghe và thống nhất nội dung trước khi ký hợp đồng lao động.

- Người lao động thực hiện ký hợp đồng lao động với người sử dụng lao động bằng hình thức điểm chỉ.

- Trường hợp có người thứ ba không phải là thành viên của hộ gia đình thuê mướn, sử dụng lao động là người giúp việc gia đình làm chứng thì trong hợp đồng lao động phải ghi rõ họ và tên, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, hộ khẩu thường trú, địa chỉ liên lạc khi cần và chữ ký của người làm chứng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 23 Bộ luật lao động thì nội dung của hợp đồng lao động gồm có: Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp; Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động; Công việc và địa điểm làm việc; Thời hạn của hợp đồng lao động; Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Ngoài các nội dung trên thì theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 27/2014/NĐ-CP thì còn gồm: Điều kiện ăn, ở của người lao động (nếu có); Tiền tàu xe về nơi cư trú khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng thời hạn; Thời gian và mức chi phí hỗ trợ để người lao động học văn hóa, học nghề (nếu có);Trách nhiệm bồi thường do làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc có hành vi khác gây thiệt hại về tài sản của người sử dụng lao động; Những hành vi bị nghiêm cấm đối với mỗi bên.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hợp đồng lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào