Ai được bán mua ‘quyền im lặng’ khi mua phải sản phẩm rởm?
Người tiêu dùng được hiểu là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức.
Theo quy định của pháp luật thì người tiêu dùng được yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hóa, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết (Điều 8, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).
Tuy nhiên, luật cũng quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của người tiêu dùng khi gặp phải sản phẩm, hàng hóa kém chất lượng, sản phẩm bẩn. Theo đó, bạn cần thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.
Về câu hỏi của bạn, hiện nay chưa có quy định cụ thể về bán mua “quyền im lặng” như bạn đã trình bày. Thực tế, không ít người đã phải vướng vòng lao lý do có hành vi lợi dụng sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm bẩn để ép doanh nghiệp phải chi một khoản tiền không nhỏ. Hành vi đó có dấu hiệu của tội Cưỡng đoạt tài sản.
Tuy nhiên, nếu bạn và nhà sản xuất thỏa thuận một khoản tiền bồi thường mà không hề có sự đe dọa, cưỡng bức thì đó hoàn toàn là hợp pháp vì đây là thỏa thuận dân sự. Lưu ý là việc thỏa thuận này phải dựa trên sự tự nguyện của hai bên và không có sự đe dọa.
Ngoài ra, bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện ra tòa án để yêu cầu bồi thường theo quy định của pháp luật. Cơ chế, nại ra tòa khi doanh nghiệp cung cấp sản phẩm không đúng chất lượng, cam kết hoặc thực phẩm bẩn là một việc làm văn minh trong xã hội hiện đại và cần được người tiêu dùng sử dụng như một vũ khí bảo vệ chính mình.
Thư Viện Pháp Luật