Khi nào được quyền xác định lại giới tính?
Dựa theo Điều 36 - Bộ luật Dân sự thì chỉ có những người thuộc hai trường hợp sau là được phép xác định lại giới tính, đó là:
Thứ nhất, người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính: là những bất thường ở bộ phận sinh dục của một người ngay từ khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật.
Nữ lưỡng giới giả nam: Là người mang giới tính nữ, có buồng trứng, nhưng do tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hoóc-môn nam androgen nên bộ phận sinh dục ngoài bị nam hóa, như âm vật phì đại, 2 môi lớn to và dính nhau như bìu. Trường hợp nam hóa nặng có thể tạo nên đoạn niệu đạo - âm vật giống như người nam có tinh hoàn ẩn.
Nam lưỡng giới giả nữ: Bộ nhiễm sắc thể vẫn là 46 XY như mọi đàn ông khác, nhưng bộ phận sinh dục lại giống nữ. Nguyên nhân là hoóc môn nam testosteron và MIS - một chất cần cho sự phát triển giới tính nam - không được tiết ra đủ.
Lưỡng giới thật: Hầu hết các trường hợp lưỡng tính thật sống ngoài xã hội bề ngoài có dạng nữ. Họ có cả tinh hoàn và buồng trứng (tách riêng hay nhập chung thành tuyến tinh hoàn - buồng trứng) nhưng chúng thường không có tính năng hoạt động. Nguyên nhân gây lưỡng tính thật là có bất thường trong quá trình phân định giới tính.
Thứ hai, những người có giới tính chưa được định hình chính xác là những trường hợp chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.
Như vậy, theo như bạn trình bày thì kết luận của bác sỹ nơi bạn khám cho con có thể đã rơi vào dạng nữ lưỡng giới giả nam vì con bạn thật ra là người mang giới tính nữ, có buồng trứng, nhưng do tuyến thượng thận sản xuất quá nhiều hoóc-môn nam androgen nên bộ phận sinh dục ngoài bị nam hóa. Do đó, trong trường hợp này con bạn có quyền được xác định lại giới tính
Về thủ tục đề nghị xác định lại giới tính bạn cần lưu ý những điểm sau: Theo Thông tư 29/2010/TT-BYT hướng dẫn Nghị định 88/2008/NĐ-CP thì có 03 mẫu đơn đề nghị xác định lại giới tính khác nhau dành cho ba lứa tuổi là người chưa đủ 16 tuổi, người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi và người từ đủ 18 tuổi trở lên. Theo đó, người chưa đủ 16 tuổi thì cha mẹ hoặc người giám hộ phải đứng tên làm đơn; người từ đủ 16 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể tự làm đơn nhưng trong đơn phải có chữ kí của cha mẹ hoặc người giám hộ hay nói cách khác là phải được sự đồng ý của họ; người từ đủ 18 tuổi trở lên có thể tự mình làm đơn mà không cần chữ kí của cha mẹ. Những yêu cầu này hoàn toàn phù hợp với quy định về năng lực hành vi dân sự của cá nhân và Điều 7 - Nghị định 88/2008/NĐ-CP.
Thư Viện Pháp Luật