Người thuộc hàng thừa kế có được làm chứng di chúc?
Di chúc do cha của bạn muốn để lại được xác định là di chúc bằng văn bản. Điều 650 Bộ luật dân sự quy định, di chúc bằng văn bản có thể được lập dưới các hình thức sau: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Với quy định trên, cha của bạn đã lựa chọn hình thức lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng và theo quy định pháp luật thì phải có hai người làm chứng.
Theo Điều 654 Bộ luật dân sự 2005 thì mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:
- Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc;
- Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc;
-Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự.
Như vậy, hai bạn là con đẻ thuộc hàng thừa kế thứ nhất nên theo quy định trên các bạn không được làm chứng di chúc của cha bạn để lại.
Di chúc được coi là hợp pháp khi có đầy đủ các điều kiện sau: Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép; Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Nội dung di chúc bao gồm những nội dung sau: Ngày, tháng, năm lập di chúc; Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc; Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản; Di sản để lại và nơi có di sản; Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ.
Thư Viện Pháp Luật