Sử dụng tên của sản vật nổi tiếng để dùng cho sản phẩm của mình
Thứ nhất, thương hiệu Bưởi Đoan Hùng đã được nhà nước bảo hộ chỉ dẫn địa lý từ ngày 8-2-2006, do vậy những hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ đều là những hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm. Chỉ dẫn địa lý được hiểu là thông tin về nguồn gốc của hàng hoá: từ ngữ; dấu hiệu; biểu tượng; hình ảnh để chỉ: một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một địa phương mà hàng hoá được sản xuất ra từ đó. Chất lượng, uy tín, danh tiếng của hàng hoá là do nguồn gốc địa lý tạo nên.
Thứ hai, cần phải làm rõ xem hành vi của những chủ cửa hàng như chị đã nói có phải là hành vi xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ hay không.
Theo quy định tại điểm c khoản 3 điều 129 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì việc sử dụng bất kỳ dấu hiệu nào trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ cho sản phẩm không có nguồn gốc từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó làm cho người tiêu dùng hiểu sai rằng sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực địa lý đó được coi là hành vi xâm phạm đối với chỉ dẫn địa lý.
Theo quy định tại khoản 1 điều 12 Nghị định 105/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ thì việc xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với chỉ dẫn địa lý được quy định là hành vi được thể hiện dưới dạng dấu hiệu gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Như vậy hành vi của những chủ cửa hàng trên đã xâm phạm quyền của chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Để bảo vệ quyền đối với thương hiệu và lợi ích của mình, chị có thể thực hiện các biện pháp quy định tại điều 198 Luật sở hữu trí tuệ 2005.
Thư Viện Pháp Luật