Thiếu chữ ký của thành viên gia đình, hợp đồng thế chấp có vô hiệu?

3 thế hệ của gia đình tôi đang sống trên nhà đất khoảng 50m2. Sổ đỏ đứng tên chủ hộ là bố tôi. Tôi có biết anh trai tôi đang vay ngân hàng một số tiền lớn để làm ăn nhưng không biết rằng bố mẹ đồng ý cho anh trai dùng sổ đỏ thế chấp vay tiền . Tháng trước, gia đình có nhận được thông báo từ phía ngân hàng là nếu anh trai tôi không trả được nợ sẽ xử lý tài sản bảo đảm là nhà đất chúng tôi đang ở. Việc thế chấp không có chữ ký của tôi như vậy có vô hiệu không? (Anh Thư - Hà Giang)

Theo thông tin bạn cung cấp thì sổ đỏ nhà đất đang ở là tài sản chung của hộ gia đình do bố bạn đứng tên chủ hộ. Cần phải xác định rõ rằng tại thời điểm sổ đỏ được cấp thì hộ khẩu trong gia đình bạn gồm những ai? Những người đó sẽ đều có quyền sở hữu nhà đất mà bố bạn đứng tên chủ hộ.

Theo Điều 109 Bộ luật Dân sự 2005 quy định thì việc định đoạt tài sản là tư liệu sản xuất, tài sản chung có giá trị lớn của hộ gia đình phải được các thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý; đối với các loại tài sản chung khác phải được đa số thành viên từ đủ 15 tuổi trở lên đồng ý.

Tại Điều 108 của Bộ Luật đã quy định về tài sản chung của hộ gia đình: Tài sản chung của hộ gia đình gồm quyền sử dụng đất, quyền sử dụng rừng, rừng trồng của hộ gia đình, tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên hoặc được tặng cho chung, được thừa kế chung và các tài sản khác mà các thành viên thoả thuận là tài sản chung của hộ.

Trong khi đó, Điều 146, Nghị định 181/2004NĐ/CP cũng nhấn mạnh: Thế chấp quyền sử dụng đất của hộ gia đình phải được tất cả các thành viên có đủ năng lực hành vi dân sự trong hộ gia đình thống nhất và kí tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật.

Nếu bạn có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm được cấp sổ đỏ mà hợp đồng thế chấp nhà đất không có chữ ký của bạn thì hợp đồng thế chấp đã vô hiệu. Đây là lỗi của ngân hàng khi đã không xem xét kỹ về việc sở hữu nhà đất được dùng để thế chấp. Khi hợp đồng thế chấp vô hiệu thì ngân hàng không được phép xử lý tài sản bảo đảm.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào