Mặt chủ quan của tội khủng bố

Mặt chủ quan của tội khủng bố được pháp luật quy định như thế nào?

       Người phạm tội thực hiện các hành vi khách quan là do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hoặc để mặc cho hậu quả xảy ra.

       Mục đích là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, dấu hiệu này được quy định ngay trong điều văn của cấu thành: “nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng”. Mục đích của người phạm tội cũng là dấu hiệu duy nhất để phân biệt giữa tội khủng bố với các tội phạm khác; giữa tội khủng bố với tội “khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” quy định tại Điều 84 Bộ luật hình sự.

        Việc xác định mục đích của người phạm tội nói chung là một vấn đề khó vì nó thuộc ý thức chủ quan của con người. Tuy nhiên, căn cứ vào hành vi khách quan cụ thể mà người phạm tội thực hiện, tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội nơi người phạm tội thực hiện hành vi; mối quan hệ giữa người phạm tội với người bị hại hoặc với cơ quan, tổ chức bị xâm phạm để xác định mục đích của người phạm tội.

          Thực tế trong thời gian qua nhiều trường hợp sự việc xảy ra ai cũng nhận biết được đó là hành vi khủng bố như: thông báo có bom trên máy bay, trong nhà hát, rạp chiếu phim, nhà ga, bến xe, bến tàu; đặt mìn hoặc nổ mìn ở nơi đông người. Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp nếu chỉ căn cứ vào các dấu hiệu khách quan thì khó có thể phân biệt được trường hợp nào là khủng bố còn trường hợp nào là hành vi phạm tội khác.

         Ví dụ: Vũ Đức B là bị đơn trong vụ án dân sự. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã quyết định buộc B phải trả lại cho bà Lê Thị H căn nhà mà Vũ Đức B đang ở, B cho rằng ông Nguyễn Văn Q là Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đã không khách quan nên đã xét xử cho ông thua kiện, nên B mua 0,3kg thuốc nổ loại TNT, 1 kíp nổ rồi tự chế thành 1 quả mìn hẹn giờ. Lợi dụng lúc đêm khuya, Vũ Đức B đã đặt mìn tự tạo vào bức tường đầu hồi nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Q. Nhưng do không am hiểu về mìn, lại lo sợ trong lúc đặt mìn nên B không bấm giờ phát nổ. Sáng hôm sau, các em học sinh đi học qua phát hiện đã báo công an cho lực lượng đến tháo mìn. Khi bị bắt, Vũ Đức B thừa nhận hành vi phạm tội nhưng chỉ nhận dùng mìn gây tiếng nổ để cảnh báo ông Q chứ không có ý định giết ông hoặc ai trong gia đình ông Q cả.

        Trong trường hợp này, việc xác định Vũ Đức B phạm tội khủng bố hay phạm tội khác là một vấn đề phức tạp, nếu chỉ căn cứ vào lời khai về ý thức chủ quan của B hoặc căn cứ vào hậu quả chưa xảy ra thì khó có thể xác định Vũ Đức B phạm tội khủng bố.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm an toàn công cộng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào