Đang mang thai có được tạm hoãn hợp đồng lao động?
Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật lao động 2012 thì phụ nữ mang thai là một trong những trường hợp được tạm hoãn hợp đồng lao động. Như vậy, khi sức khỏe không đảm bảo thì bạn có thể đề xuất tạm hoãn hợp đồng lao động với công ty mà không nhất thiết phải chấm dứt hợp đồng lao động.
Bên cạnh đó, Điều 156 Bộ luật lao động 2012 quy định: Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tuỳ thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
Để được tạm hoãn hợp đồng lao động bạn cần có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh chứng nhận cần phải hoãn làm việc vì nếu tiếp tục sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Khi có giấy chứng nhận trên thì hợp đồng lao động sẽ được đương nhiên tạm hoãn thực hiện mà không phụ thuộc vào ý chí của người sử dụng lao động, việc tạm hoãn hợp đồng theo quy định này sẽ không bị hủy bỏ hay mất hiệu lực hợp đồng cho đến khi hết thời hạn tạm hoãn theo pháp luật quy định hoặc hết thời hạn do hai bên thỏa thuận.
Theo quy đinh tại Điều 33 Bộ luật lao động 2012 và hướng dẫn chi tiết tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP thì “Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc. Trường hợp người lao động không thể có mặt tại nơi làm việc theo đúng thời hạn quy định thì người lao động phải thỏa thuận với người sử dụng lao động về thời điểm có mặt.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm bố trí người lao động làm công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết; trường hợp không bố trí được công việc trong hợp đồng lao động đã giao kết thì hai bên thỏa thuận công việc mới và thực hiện sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động đã giao kết hoặc giao kết hợp đồng lao động mới”.
Thư Viện Pháp Luật