Xác định giá trị tài sản bị trộm như thế nào?
Theo Khoản 1, Điều 138 Bộ luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định:
Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Với hành vi trộm cắp tài sản để bị truy tố trách nhiệm hình sự thì tài sản đó phải có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, tài sản là vật đặc định, dễ bị hao mòn, có giá trị tùy từng thời điểm. Vì vậy Bộ luật Hình sự quy định về tội trộm cắp tài sản theo hướng tài sản bị trộm cắp được định giá quy ra tiền đồng để làm căn cứ truy tố, xét xử bị can, bị cáo và bị cáo có nghĩa vụ bồi thường cho bị hại số tiền tương đương giá trị tài sản mà bị cáo chiếm đoạt.
Do đó việc truy tố, xét xử các vụ án trộm cắp tài sản dựa trên kết quả định giá tài sản. Về thời điểm định giá giá trị tài sản bị trộm cắp, theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 2/3/2005 về Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự, việc định giá tài sản phải dựa trên các căn cứ sau:
- Giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm;
- Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
- Giá trên tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá, nếu có;
- Giá trị thực tế của tài sản cần định giá;
- Các căn cứ khác về giá trị của tài sản cần định giá.
Việc định giá phải tuân theo nguyên tắc hành vi trộm cắp được thực hiện vào thời điểm nào thì tài sản trộm cắp phải được định giá theo thời điểm đó.
Như vậy, việc định giá tài sản để truy cứu trách nhiệm hình sự chính là xác định giá trị thực tế tại thời điểm bị trộm mà không phụ thuộc vào việc người phạm tội bán tài sản đó được bao nhiêu tiền.
Thư Viện Pháp Luật