Tháng 6/2011, ngân hàng tôi có cho Cty TNHH Đại Hùng Dương vay 500 triệu đồng để mua chiếc xe Toyota Altis 29A-237.54. Cty Đại Hùng Dương thế chấp cho khoản vay bằng chính chiếc xe ô tô đã mua này. Ngân hàng tôi đã thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định như: ký hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp, đăng ký giao dịch đảm bảo, thông báo ngăn chặn cho CQ cảnh sát giao thông, ... Theo thông tin chúng tôi được biết, trước đó Cty Đại Hùng Dương có vay nợ một ít tiền của Cty TNHH Đầu tư và TM Tiên Nam với lãi suất cao, do gặp khó khăn về tài chính Cty Đại Hùng Dương đã không trả được nợ cho Công ty Tiến Nam. Đến tháng 8/2011 Công ty Tiến Nam đã thực hiện việc đòi nợ (hay nói đúng hơn là siết nợ) Cty Đại Hùng Dương bằng cách thu chiếc xe ô tô đã thế chấp ngân hàng trên. Tuy là siết nợ nhưng hai bên đã ký hợp đồng mua bán xe với nhau, viết giấy biên nhận tiền, xuất hóa đơn tài chính và ghi rõ hẹn trả đăng ký sau 03 tháng. Từ đó đến nay Cty Đại Hùng Dương hay Cty Tiến Nam đều không đứng ra trả nợ cho khoản vay hiện tại tại ngân hàng chúng tôi. Chúng tôi đã liên tục đốc thúc nợ, gọi điện, gửi thông báo nợ, mời làm việc, lập cam kết bằng văn bản,... nhưng Cty Đại Hùng Dương vẫn không thực hiện nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng chúng tôi. Ngày 17/10/2012, ngân hàng chúng tôi đã gửi công văn nhờ công an phường Trung Tự (Hà Nội) thu giữ chiếc xe ô tô thế chấp trên lại, sau khi thu giữ chiếc xe thì CA phường đã chuyển hồ sơ lên CA Q.Đống Đa để giải quyết, do trước đó khoảng 01 tháng Cty Tiến Nam có làm đơn tố cáo Cty Đại Hùng Dương lừa đảo bán cho họ xe đang thế chấp tại ngân hàng. Do chiếc xe ô tô bị tạm giữ đã được thế chấp tại ngân hàng và được pháp luật bảo vệ, việc tạm giữ phương tiện kéo dài sẽ làm giảm giá trị chiếc xe và khiến chúng tôi không thu hồi sớm được khoản vay. Trong trường hợp này chúng tôi có thể làm đơn để xin rút chiếc xe ô tô ra trước để bán phát mãi nhằm thu hồi sớm khoản vay cho ngân hàng được không?
Theo tôi biết thì các ngân hàng đều có ban pháp chế mạnh, đủ sức giải quyết những vụ việc tương tự thế này nên việc bạn hỏi khiến tôi khá bất ngờ.
Như bạn nêu thì có lẽ đây là các giao dịch dân sự nên việc công an tham gia giải quyết (thu giữ xe) có thể chưa chuẩn về mặt pháp lý, trừ trường hợp họ thu giữ trên cơ sở xử ý vi phạm hành chính hoặc do vụ việc khác có liên quan đến chiếc xe.
Đúng như bạn nhận xét, giao dịch giữa các công ty có thể bị xác định vô hiệu vì tài sản thế chấp khi mua bán phải có sự đồng ý của bên nhận thế chấp.
Như vậy, bạn hãy xem công an thu giữ xe trên cơ sở nào rồi mới "xin" hay không được. Ví dụ, nếu chiếc xe liên quan đến vụ án hình sự thì bạn phải chờ giải quyết hoặc nêu yêu cầu của mình về xử lý chiếc xe trong quá trình vụ án đó. Trường hợp này, người ta sẽ cho chủ xe lấy xe ra sau khi đã nghiên cứu, điều tra xong những nội dung liên quan đến chiếc xe.