Xử lý hành vi móc túi như thế nào
Theo các thông tin mà bạn cung cấp thì ý định ban đầu của chồng bạn là trộm cắp tài sản và chồng bạn đã có hành vi lén lút móc túi để lấy điện thoại của người khác, tuy nhiên khi bị phát hiện và tri hô thì chồng bạn đã nhanh chóng cầm điện thoại bỏ chạy, nên tội danh của chồng bạn đã thay đổi, được chuyển hóa từ tội trộm cắp tài sản thành tội cướp giật tài sản theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự. Vì theo quy định tại Điều 136 thì tội cướp giật tài sản là hành vi nhanh chóng chiếm đoạt tài sản một cách công khai.
Hành động nhanh chóng cầm điện thoại bỏ chạy khi có tiếng tri hô của chồng bạn có đủ dấu hiệu công khai và nhanh chóng của tội danh này. Chồng bạn đã công khai cho chủ sở hữu chiếc điện thoại biết ý định chiếm đoạt tài sản và bỏ chạy với mong muốn chủ sở hữu chiếc điện thoại không kịp phản ứng ngăn cản để chồng bạn có thể tẩu thoát.
Đối với tình tiết chồng bạn đã từng có tiền án, do bạn không nêu rõ các thông tin nên không thể khẳng định chồng bạn đã được xóa án tích hay chưa. Bạn có thể căn cứ vào quy định tại Điều 64 của Bộ luật hình sự để xác định thời hạn xóa án tích, cụ thể người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XI và Chương XXIV của Bộ luật Hình sự, nếu từ khi chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án người đó không phạm tội mới trong thời hạn sau đây thì sẽ đương nhiên được xóa án tích:
Một năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng được hưởng án treo;
Ba năm trong trong trường hợp hình phạt là tù đến ba năm;
Năm năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên ba năm đến mười lăm năm;
Bảy năm trong trường hợp hình phạt là tù từ trên mười lăm năm.
Trường hợp chồng bạn chưa được xóa án tích mà lại phạm tội mới thì sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặngtrách nhiệm hình sự tái phạm theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Hình sự hoặc áp dụng tình tiết tăng nặng định khung tái phạm nguy hiểm theo quy định tại khoản 2 Điều 136 của Bộ luật Hình sự.
Thư Viện Pháp Luật