Thỏa thuận giữa công ty và người lao động

Hiện nay, công ty tôi thỏa thuận với người lao động như sau: từ tháng 5-2014 cho đến hết năm nay, công ty chỉ có thể trả cho người lao động mức lương là 100% lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ, không thể trả theo mức lương thực lĩnh mà hàng tháng người lao động vẫn nhận với lý do tình hình tài chính khó khăn. Người lao động nào đồng ý chia sẻ khó khăn với công ty thì tiếp tục ở lại làm và nhận mức lương mới. Người lao động nào không đồng ý thì công ty làm thủ tục chấm dứt HĐLĐ. Xin hỏi luật sư: 1. Công ty giải quyết như vậy có đúng Luật Lao động hay không? 2. Khi công ty đơn phương chấm dứt HĐLĐ, thì theo luật là báo trước cho người lao động 30 ngày. Vậy 30 ngày đó công ty trả lương theo mức lương quy định trong bảng lương mà hàng tháng người lao động vẫn nhận hay chỉ trả 100% lương cơ bản? 3. Trong trường hợp người lao động không đồng ý với thỏa thuận mới công ty đưa ra, thì người lao động cần phải làm gì? 4. Hợp đồng lao động ký giữa công ty và người lao động không ghi rõ mức lương, mà chỉ ghi là “lương theo thỏa thuận”. Vậy mức lương để giải quyết theo luật có thể căn cứ vào bảng lương hàng tháng có xác nhận của giám đốc được không?

1. Công ty bạn giải quyết như vậy là không đúng luật, công ty bạn có thể thỏa thuận với người lao động về mức lương trong thời gian tới do công ty đang gặp khó khăn. Mức lương thỏa thuận có thể đưa ra là mức lương tối thiểu theo vùng nhưng chỉ áp dụng đối với lao động giản đơn nhất, chưa qua đào tạo, đối với người lao động đã qua học nghề thì phải cộng thêm 7% mức lương. Trong trường hợp người lao động không đồng ý, tức là hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết (Khoản 3, Điều 35, BLLĐ).

2. Phụ thuộc vào các căn cứ pháp lý về đơn phương chấm dứt HĐLĐ, theo đó, trong trường hợp này, công ty phải có nghĩa vụ báo trước ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn và 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Trong thời gian đó, người lao động vẫn đi làm và hưởng mức lương do hai bên đã thỏa thuận (Khoản 2, Điều 38, BLLĐ). 

3. Trong trường hợp không đồng ý với đề nghị của công ty, người lao động có quyền khiếu nại đến Phòng LĐ-TBXH nơi công ty có trụ sở để được hòa giải. Nếu hai bên không thể hòa giải thì người lao động có thể khởi kiện công ty ra tòa án nơi công ty có trụ sở (Điều 201, BLLĐ).

4. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 23, BLLĐ, mức lương, phụ cấp lương là những nội dung chủ yếu của HĐLĐ. Nếu HĐLĐ ký giữa công ty và người lao động không ghi cụ thể mức lương mà chỉ ghi “lương theo thỏa thuận” thì thỏa thuận đó vi phạm pháp luật. Lúc này, căn cứ để giải quyết tranh chấp phát sinh là phiếu lương nhận hàng tháng, bản sao kê tài khoản hoặc bảng lương hàng tháng có xác nhận của giám đốc như bạn đã nêu.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào