Thời gian hưởng và mức hưởng BHTN
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 2, Thông tư số 04/2013/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25-10-2010 của Bộ LĐ-TBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008, người thất nghiệp được hưởng BHTN khi có đủ các điều kiện sau:
a) Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo đúng quy định của pháp luật.
Tháng đóng BHTN của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã đóng BHTN, người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc ít nhất 1 ngày trong tháng đó.
b) Đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ-TBXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
c) Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày tính theo ngày làm việc kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định tại Điểm b, Khoản này, ngày thứ nhất trong 15 ngày nêu trên là ngày ngay sau ngày người lao động đăng ký thất nghiệp, tính theo ngày làm việc.
Căn cứ các quy định của pháp luật nêu trên, trường hợp của bạn đã đóng BHTN đủ 12 tháng trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ. Vì không có thông tin về việc bạn đã đăng ký thất nghiệp với Trung tâm Giới thiệu việc làm thuộc Sở LĐ-TBXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khi chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật hay chưa, nên nếu thỏa mãn 3 điều kiện nêu trên thì bạn mới được hưởng BHTN.
Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng: Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật. Trường hợp những tháng cuối cùng trước khi thất nghiệp, người lao động có thời gian gián đoạn đóng BHTN, thì 6 tháng liền kề để tính mức trợ cấp thất nghiệp là bình quân của 6 tháng đóng BHTN trước khi người lao động mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo quy định của pháp luật.
Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:
- 3 tháng, nếu có từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN.
- 6 tháng, nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN.
- 9 tháng, nếu có từ đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN.
- 12 tháng, nếu có từ đủ 144 tháng đóng BHTN trở lên.
Theo quy định tại Khoản 6, Điều 3, Thông tư số 04/2013/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25-10-2010 của Bộ LĐ-TBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008, người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp trong 9 trường hợp sau:
1. Hết thời hạn hưởng theo quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp.
2. Có việc làm.
Người lao động được xác định là có việc làm thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đã giao kết HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc (kể cả thời gian thử việc có hưởng lương) từ đủ 3 tháng trở lên.
- Có quyết định tuyển dụng đối với những trường hợp không thuộc đối tượng giao kết HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc.
- Chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ quan có thẩm quyền cấp.
3. Thực hiện nghĩa vụ quân sự.
4. Được hưởng lương hưu hàng tháng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
5. Sau hai lần từ chối nhận việc làm do Trung tâm Giới thiệu việc làm giới thiệu mà không có lý do chính đáng.
6. Trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp, 3 tháng liên tục không thực hiện thông báo hàng tháng về việc tìm kiếm việc làm với Trung tâm Giới thiệu việc làm theo quy định.
7. Ra nước ngoài để định cư.
8. Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh (kể cả trường hợp đi cai nghiện tại các Trung tâm cai nghiện) hoặc chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo.
9. Bị chết.
Nếu bạn đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà bị chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp vì có việc làm vào những ngày của tháng đang hưởng trợ cấp thất nghiệp thì bạn vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp của cả tháng đó.
Bạn lưu ý rằng, sau khi chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trước đó không được tính để hưởng trợ cấp thất nghiệp lần sau theo quy định tại Khoản 3, Điều 87, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
Thư Viện Pháp Luật