Thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chưa rút sổ bảo hiểm
Căn cứ Khoản 2, Điều 5, Thông tư 04/2013/TT-BLĐTBXH sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 32/2010/TT-BLĐTBXH ngày 25-10-2010 của Bộ LĐ-TBXH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12-12-2008, hồ sơ hưởng BHTN gồm:
a) Đề nghị hưởng BHTN theo mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
b) Bản sao HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc hoặc quyết định thôi việc hoặc xác nhận của đơn vị cuối cùng trước khi thất nghiệp về việc đơn phương chấm dứt HĐLĐ hoặc hợp đồng làm việc theo đúng quy định pháp luật.
Đồng thời, người lao động phải xuất trình sổ BHXH có xác nhận của cơ quan BHXH về việc đóng BHTN hoặc bản xác nhận của cơ quan BHXH về việc đóng BHTN.
Nếu bạn chưa có sổ BHXH có xác nhận của cơ quan BHXH về việc đóng BHTN, thì bạn không thể đăng ký và hưởng BHTN.
Tại Khoản 1, Điều 18 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm: Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định và hàng tháng trích từ tiền lương, tiền công của người lao động theo quy định của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH; Bảo quản sổ BHXH của người lao động trong thời gian người lao động làm việc; Trả sổ BHXH cho người lao động khi người đó không còn làm việc”.
Do đó, bạn cần yêu cầu công ty trả sổ BHXH cho bạn. Trong trường hợp công ty không thực hiện rút sổ bảo hiểm và hoàn trả sổ, bạn có thể yêu cầu cơ quan BHXH ra bản xác nhận về việc đóng bảo hiểm thất nghiệp để thực hiện thủ tục đăng ký và hưởng BHTN theo quy định của pháp luật hiện hành.
Thư Viện Pháp Luật