Không ghi rõ mức lương trong HĐLĐ
HĐLĐ là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Theo đó, HĐLĐ được giao kết trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực.
Căn cứ Điều 19, Bộ luật Lao động, trước khi giao kết HĐLĐ, người sử dụng lao động phải cung cấp thông tin cho người lao động về công việc, địa điểm làm việc, điều kiện làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn lao động, vệ sinh lao động, tiền lương, hình thức trả lương, BHXH, BHYT, quy định về bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ và vấn đề khác liên quan trực tiếp đến việc giao kết HĐLĐ mà người lao động yêu cầu.
HĐLĐ phải có những nội dung chủ yếu sau đây: tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp; họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động; công việc và địa điểm làm việc; thời hạn của HĐLĐ; mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; chế độ nâng bậc, nâng lương; thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; BHXH và BHYT; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề… theo quy định tại Khoản 1, Điều 23, Bộ luật Lao động.
Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 2, Điều 94, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức tiền lương, tiền công ghi trong hợp đồng lao động.
Chính vì vậy, mức lương ghi trên hợp đồng lao động cần phải được ghi rõ ràng để làm căn cứ thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành.
Thư Viện Pháp Luật