Trường hợp không được bảo hiểm thanh toán tiền khám, chữa bệnh do không có thẻ BHYT

Tôi làm việc tại công ty ở Biên Hòa đã hơn 1 năm. Hàng tháng, công ty vẫn trích lương của tôi để đóng BHXH và BHYT, nhưng đến nay tôi vẫn chưa nhận được thẻ BHYT. Do đó, tôi phải tự thanh toán chi phí cho các lần khám, chữa bệnh. Đề nghị luật sư tư vấn về các quy định của pháp luật đối với việc đóng BHYT và cấp thẻ BHYT. Trường hợp của tôi không được bảo hiểm thanh toán tiền khám, chữa bệnh do không có thẻ BHYT, ai phải chịu trách nhiệm?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 15, Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 về phương thức đóng BHYT, hàng tháng, người sử dụng lao động đóng BHYT cho người lao động và trích tiền đóng BHYT từ tiền lương, tiền công của người lao động để nộp cùng một lúc vào quỹ BHYT. Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 nghiêm cấm những hành vi không đóng hoặc đóng BHYT không đầy đủ hoặc sử dụng tiền đóng BHYT, quỹ BHYT sai mục đích.
Điểm 2.4.5, Điều 7, Quyết định số 1359/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam ban hành ngày 25-11-2009 quy định về cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT, quy định về thời hạn phát hành thẻ BHYT như sau:  “Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và đóng tiền vào quỹ BHYT theo quy định, cơ quan BHXH phải cấp thẻ BHYT cho người tham gia BHYT”. Quyết định số 1359/QĐ-BHXH buộc cơ quan BHXH phải in, cấp phát thẻ BHYT theo đúng thời hạn quy định của Luật Bảo hiểm y tế; đồng thời, cơ quan BHXH hướng dẫn đơn vị quản lý đối tượng tham gia BHYT (người sử dụng lao động) giao thẻ BHYT đúng đối tượng và kịp thời căn cứ theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 11 của quyết định này.
Căn cứ các quy định nêu trên, người tham gia BHYT phải được cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT sau 10 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan này nhận đủ hồ sơ và tiền BHYT đã được đóng vào quỹ BHYT đúng quy định.
Trở lại trường hợp của bạn, hơn 1 năm kể từ ngày được trích lương để đóng BHYT, bạn vẫn chưa nhận được thẻ BHYT. Có thể hiểu rằng, có thể do lỗi của người sử dụng lao động hoặc của cơ quan BHXH trong việc thực hiện sai quy định của pháp luật về đóng BHYT hoặc cấp và trả thẻ BHYT cho người tham gia BHYT, dẫn đến việc không bảo đảm quyền lợi của bạn về BHYT.
Theo quy định tại Điều 49 Luật Bảo hiểm y tế năm 2008, người nào có hành vi vi phạm các quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHYT mà không đóng hoặc đóng không đầy đủ theo quy định của pháp luật thì cùng với việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, còn phải nộp số tiền lãi trong thời gian chậm đóng theo mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố; nếu không thực hiện, theo yêu cầu của người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người có trách nhiệm đóng BHYT để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của quỹ  BHYT.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Thẻ bảo hiểm y tế

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào