Có vi phạm về bằng sáng chế
Pháp luật sở hữu trí tuệ không hạn chế khả năng sáng tạo của con người. Vì vậy, bạn muốn thuê một người để sáng chế ra máy tách hạt điều là không vi phạm quy định của pháp luật. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý hai điểm như sau:
Thứ nhất: Điều 58 Luật sở hữu trí tuệ đã quy định:
1. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có tính mới;
b) Có trình độ sáng tạo;
c) Có khả năng áp dụng công nghiệp.
2. Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Có tính mới;
b) Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Như vậy, bạn phải đảm bảo rằng chiếc máy tách hạt điều mà bạn muốn sáng chế ra phải có tính mới, không được trùng lặp với những chiếc máy tách hạt điều đã đăng ký sáng chế với cơ quan có thẩm quyền từ trước đó.
Thứ hai: Trường hợp bạn thấy sáng chế đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 58 Luật sở hữu trí tuệ và muốn đăng ký sáng chế đó với cơ quan có thẩm quyền để được bảo hộ, bạn nên thỏa thuận trước với người được thuê về vấn đề ai là người có quyền đăng ký sáng chế. Khoản 1, khoản 2 Điều 86 Luật sở hữu trí tuệ đã quy định rõ:
1. Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:
a) Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Chính phủ quy định quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất - kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.
Thư Viện Pháp Luật