Phạm tội khủng bố theo quy định tại khoản 3 điều 230a BLHS

Phạm tội khủng bố theo quy định tại khoản 3 Điều 230a được pháp luật quy định như thế nào?

           Khoản 3 của điều luật quy định người phạm tội đe dọa thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này hoặc có những hàng vi khác uy hiếp tinh thần, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm, là tội phạm nghiêm trọng.

            Nếu ở khoản 1 của điều luật quy định người phạm tội thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì ở khoản 3 của điều luật nhà làm luật chỉ quy định người phạm tội đe dọa thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

            Hành vi đe dọa thực hiện các hành vi quy định tại khoản 1 cũng tương tự như hành vi “đe dọa giết người” quy định tại Điều 103 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội khủng bố thì người phạm tội không chỉ đe dọa giết người, mà còn đe dọa cả việc phá hủy tài sản nữa. Hành vi đe dọa quy định tại khoản 3 Điều 230a với mục đích là gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng, còn hành vi đe dọa giết người quy định tại Điều 103 Bộ luật hình sự không nhằm gây ra tình trạng hoảng sợ trong công chúng. Đây là dấu hiệu cơ bản để phân biệt tội “đe dọa giết người” với tội “khủng bố”.

            Việc xác định người phạm tội mới “đe dọa” chứ không thực hiện hành vi gây thiệt hại như ở khoản 1 của điều luật cũng là vấn đề phức tạp. Thông thường, khi thiệt hại chưa xảy ra, người phạm tội chỉ khai là mình chỉ “đe dọa” chứ không thực hiện hành vi gây thiệt hại. Do đó, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng cần phải đáng giá một cách toàn diện các tình tiết của vụ án để xác định người phạm tội chỉ có ý định đe dọa hay vì những lý do khách quan nên không thực hiện được hành vi quy định tại khoản 1 của điều luật.

            Khoản 3 của điều luật chỉ quy định “đe dọa” thực hiện hành vi quy định tại khoản 1 chứ không quy định “đe dọa” thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 của điều luật. Do đó, nếu người phạm tội chỉ “đe dọa” thực hiện hành vi quy định tại khoản 2 thì chưa thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật. Tuy nhiên, khoản 3 của điều luật lại quy định “hoặc có những hành vi khác uy hiếp tinh thần”. Vậy hành vi khác uy hiếp tinh thần là hành vi nào?

            Trước hết, hành vi khác uy hiếp tinh thần là ngoài các hành vi quy định tại khoản 1, khoản 2 của điều luật và hành vi đe dọa xâm phạm tính mạng của người khác hoặc phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 3 của điều luật. Việc nhà làm luật quy định những hành vi khác uy hiếp tinh thần là nhằm không để lọt một hành vi khủng bố nào mà không bị trừng trị.

            Tuy nhiên, khi xác định hành vi khác quy định tại khoản 3 của Điều 230a cần phải bảo đảm các dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội khủng bố. Nếu hành vi uy hiếp tinh thần nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành tội khủng bố thì tùy trường hợp mà truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội về tội danh tương ứng, nếu hành vi đó cấu thành tội danh tương ứng.

            Ví dụ: A viết thư cho B yêu cầu B phải nộp cho A 10 triệu đồng nếu không A sẽ tung hình ảnh mà B làm tình với bạn gái lên mạng, thì hành vi của A là hành vi cưỡng đoạt tài sản chứ không phải là hành vi khủng bố.

            Khoản 3 của điều luật là cấu thành giảm nhẹ so với khoản 1 và khoản 2 của điều luật nhưng cũng là tội phạm nghiêm trọng, mặc dù thiệt hại chưa xảy ra vì người phạm tội mới chỉ đe dọa chứ không thực hiện hành vi gây ra thiệt hại. Do đó khi quyết định hình phạt, Tòa án cần cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi, nhân thân người phạm tội và các tính tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự để quyết định một mức hình phạt sao cho tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo.

            Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có tình tiết tăng nặng nhưng lấy tình tiết giảm nhẹ trừ đi tình tiết tăng nặng mà vẫn còn nhiều tình tiết giảm nhẹ thì có thể phạt dưới hai năm tù, việc cho bị cáo hưởng án treo phải rất hạn chế, vì dù sao bị tội cũng phạm tội khủng bố là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, mặc dù chỉ thuộc trường hợp nghiêm trọng.

 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tội xâm phạm an toàn công cộng

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào