Nguyên tắc giao kết HĐLĐ
Nguyên tắc giao kết HĐLĐ theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Lao động là sự tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực giữa các bên tham gia quan hệ lao động; tự do giao kết HĐLĐ nhưng không được trái pháp luật, thỏa ước lao động tập thể và đạo đức xã hội. Do đó, nhân viên A không muốn ký HĐLĐ với công ty thể hiện ý chí của nhân viên A. Đồng thời, việc công ty không muốn tiếp tục đàm phán, ký kết với nhân viên A cũng thể hiện ý chí của công ty. Những điều đó thể hiện quyền của các bên, phù hợp với nguyên tắc giao kết HĐLĐ nêu trên.
HĐLĐ là sự thoả thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động căn cứ theo quy định của Điều 15, Bộ luật Lao động. Việc nhân viên A cho rằng các điều khoản của HĐLĐ do công ty đề nghị không phù hợp với mong muốn của nhân viên này, dẫn đến việc không chấp nhận, không ký HĐLĐ. Như vậy, hai bên chưa đạt được thỏa thuận và thống nhất về nội dung của HĐLĐ, giữa công ty và nhân viên A chưa có HĐLĐ.
Việc hai bên thống nhất chấm dứt và bàn giao công việc từ ngày 14-8-2014 với lý do giữa hai bên không thể tiến tới ký kết một HĐLĐ là hợp pháp, vì việc này đã chấm dứt hành vi vi phạm của công ty được quy định tại Khoản 1, Điều 18, Bộ luật Lao động quy định về nghĩa vụ giao kết HĐLĐ, là trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết HĐLĐ.
Đối với việc phát hiện có sự gian dối đối với các hóa đơn, chứng từ nhân viên A đã dùng để thanh toán, công ty cần kiểm tra, xác minh cụ thể từng hóa đơn thanh toán. Nếu phát hiện nhân viên A được thanh toán lớn hơn số tiền chi phí thực hoặc không có chi phí thực nhưng vẫn đề nghị thanh toán, thì có dấu hiệu gian dối trong việc đề nghị thanh toán, chiếm đoạt tiền của công ty. Nếu xác định có căn cứ là nhân viên A đã chiếm đoạt tiền của công ty, thì công ty có thể làm đơn tố cáo đến cơ quan công an để giải quyết theo quy định của pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật