Tiếp tục làm việc sau khi nghỉ thai sản

Tôi làm việc tại một công ty ở Biên Hòa theo HĐLĐ không xác định thời hạn. Trong hợp đồng, công ty quy định phải làm việc đủ 3 năm thì mới được sinh con, nếu vi phạm thì công ty có quyền chấm dứt hợp đồng. Sau 2 năm làm việc, tôi có thai và vẫn đi làm, hưởng lương bình thường. Đến khi trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản, tôi nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng. Xin hỏi luật sư, nếu muốn tiếp tục làm việc thì tôi phải làm gì?

HĐLĐ là sự thoả thuận giữa người lao động với người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động căn cứ theo quy định của Điều 15, Bộ luật Lao động. Nhưng việc thỏa thuận về nghĩa vụ của hai bên không được vi phạm các nguyên tắc giao kết HĐLĐ theo quy định tại Điều 17 của Bộ luật Lao động, đó là sự tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác và trung thực giữa các bên tham gia quan hệ lao động. Việc áp đặt ý chí của công ty, bắt buộc người lao động không được sinh con trong thời hạn 3 năm đã vi phạm nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng giữa hai bên tham gia quan hệ lao động. Do đó, thỏa thuận áp đặt này đã vi phạm các quy định của Bộ luật Lao động. 
Đối với thông báo chấm dứt hợp đồng do công ty ban hành, đây được xem là công ty đang sử dụng quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động được quy định tại Điều 38, Bộ luật Lao động. Theo đó, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo HĐLĐ;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo HĐLĐ không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo HĐLĐ xác định thời hạn và quá nửa thời hạn HĐLĐ đối với người làm theo HĐLĐ theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục.
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, thì người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết HĐLĐ;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Điều 33 của Bộ luật này.
Khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn.
Khoản 3, Điều 155, Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với lao động nữ vì lý do kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, trừ trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân chết, bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự, mất tích hoặc là đã chết hoặc người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động.
Do đó, việc công ty ra thông báo chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này là hành vi đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, để có thể tiếp tục làm việc, căn cứ vào Khoản 2, Điều 50, Bộ luật Lao động quy định về hợp đồng lao động vô hiệu từng phần, Khoản 1, Điều 51, Bộ luật Lao động và Điều 8, Nghị định số 44/2013/NĐ-CP ban hành ngày 10-5-2013 quy định về thẩm quyền tuyên bố HĐLĐ vô hiệu, bạn có thể gửi đơn đến Chánh Thanh tra Sở LĐ-TBXH để yêu cầu sửa đổi nội dung HĐLĐ hoặc ra quyết định tuyên bố HĐLĐ vô hiệu từng phần.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chế độ thai sản

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào