Trường hợp áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 126, Bộ luật Lao động, hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong những trường hợp sau đây:
1. Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động.
Ngoài ra, Khoản 3, Điều 128, Bộ luật Lao động cấm xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động có hành vi vi phạm không được quy định trong nội quy lao động. Như vậy, nếu hành vi sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc không được ghi trong nội quy lao động thì người sử dụng lao động không được áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải.
Để đảm bảo thực hiện đúng pháp luật lao động về xử lý kỷ luật sa thải, công ty bạn cần tuân thủ quy trình, thủ tục như sau:
Khoản 1, Điều 123, Bộ luật Lao động quy định:
a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;
b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;
c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;
d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.
Biên bản xử lý vi phạm kỷ luật lao động cần phải có các nội dung chủ yếu dưới đây:
Ngày, tháng, năm, địa điểm xử lý vi phạm kỷ luật lao động;
Họ, tên, chức trách những người có mặt;
Hành vi vi phạm kỷ luật lao động, mức độ vi phạm, mức độ thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp (nếu có);
Ý kiến của đương sự, của người bào chữa, hoặc người làm chứng (nếu có);
Ý kiến của đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;
Kết luận về hình thức xử lý vi phạm kỷ luật lao động, mức độ thiệt hại, mức bồi thường và phương thức bồi thường (nếu có);
Đương sự, đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, người có thẩm quyền xử lý vi phạm kỷ luật lao động ký vào biên bản. Đương sự, đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở có quyền ghi ý kiến bảo lưu; nếu không ký thì phải ghi rõ lý do.
Do đó, nếu công ty không chứng minh được bạn sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc hoặc bạn không đồng ý với các chứng cứ hoặc cách chứng minh hành vi sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc của công ty, thì bạn có thể khởi kiện ra tòa án nơi công ty có trụ sở để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình căn cứ theo quy định tại Điều 201, Bộ luật Lao động.
Thư Viện Pháp Luật