Thỏa ước lao động tập thể

Chúng tôi là công nhân một công ty may mặc. Ngày 30-5-2014 vừa qua, Công đoàn và công ty đã thỏa thuận ký thỏa ước lao động tập thể mới, trong đó có nội dung: Tất cả lao động nữ từ 50 tuổi trở lên sẽ được công ty giải quyết cho nghỉ việc và hỗ trợ 2 tháng tiền lương tối thiểu vùng vì lao động nữ đến tuổi này sẽ không đảm bảo năng suất lao động. Trước khi ký, thỏa ước lao động tập thể này đã được lấy ý kiến người lao động. Lúc đó, chúng tôi đang nghỉ phép năm nên không biết và không được tham gia lấy ý kiến. Chúng tôi thấy nội dung thỏa thuận đó không có lợi cho người lao động nên đề nghị luật sư tư vấn cho giúp chúng tôi trong trường hợp này.

Thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể. Thương lượng tập thể là việc tập thể lao động thảo luận, đàm phán với người sử dụng lao động nhằm mục đích sau đây: 
1. Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ;
2. Xác lập các điều kiện lao động mới làm căn cứ để tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể;
3. Giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Theo Ðiều 74, Bộ luật Lao động, thỏa ước lao động tập thể chỉ được ký kết khi các bên đã đạt được thỏa thuận tại phiên họp thương lượng tập thể và phải có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành nội dung thương lượng tập thể đã đạt được trong trường hợp ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp. Khi thỏa ước lao động tập thể được ký kết, người sử dụng lao động phải công bố cho mọi người lao động của mình biết. Nội dung thỏa ước lao động tập thể không được trái với quy định của pháp luật và phải có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật.
Như vậy, mục đích đầu tiên mà thỏa ước lao động tập thể hướng tới là để xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ. Trong khi đó, Công đoàn và công ty bạn lại nhận định một cách đầy chủ quan rằng: “Tất cả lao động nữ từ 50 tuổi trở lên không đảm bảo năng suất lao động” và trao cho công ty quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với tất cả lao động nữ từ 50 tuổi trở lên và chỉ hỗ trợ 2 tháng tiền lương tối thiểu vùng. Ðây là những nội dung trái với các quy định của Bộ luật Lao động hiện hành. Ðiều 38, Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
b) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 12 tháng liên tục đối với người làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, đã điều trị 6 tháng liên tục, đối với người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và quá nửa thời hạn hợp đồng lao động đối với người làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục. 
Khi sức khỏe của người lao động bình phục, người lao động được xem xét để tiếp tục giao kết hợp đồng lao động;
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
d) Người lao động không có mặt tại nơi làm việc sau thời hạn quy định tại Ðiều 33 của Bộ luật này.
Do đó, theo quy định tại Khoản 1, Ðiều 78, Bộ luật Lao động, thỏa ước lao động tập thể vô hiệu từng phần khi một hoặc một số nội dung trong thỏa ước trái pháp luật. Các bên cần phải sửa đổi những nội dung trong thỏa ước lao động tập thể trái pháp luật hoặc đề nghị tòa án có thẩm quyền tuyên bố thỏa ước lao động tập thể vô hiệu theo quy định tại Ðiều 79, Bộ luật Lao động.
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào