Công ty có được chấm dứt hợp đồng lao động đối với ủy viên BCH Công đoàn hay không?
Hết hạn hợp đồng lao động là một trong các trường hợp đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 1, Ðiều 36, Bộ luật Lao động, trừ trường hợp quy định tại Khoản 6, Ðiều 192 của Bộ luật này. Khoản 6, Ðiều 192, Bộ luật Lao động quy định, khi người lao động là cán bộ Công đoàn không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ Công đoàn mà hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến hết nhiệm kỳ.
Như vậy, về nguyên tắc, công ty bạn buộc phải gia hạn hợp đồng lao động đối với anh A cho đến thời điểm anh A hết nhiệm kỳ ủy viên BCH Công đoàn công ty.
Tuy nhiên, nếu thực sự vẫn muốn cắt giảm nhân sự vì tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, công ty có thể:
- Áp dụng Khoản 2, Ðiều 44, Bộ luật Lao động, trong trường hợp vì lý do kinh tế mà nhiều người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc, thì người sử dụng lao động phải xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Ðiều 46 của Bộ luật này. Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Ðiều 49 của Bộ luật này.
- Và áp dụng Khoản 7, Ðiều 192, Bộ luật Lao động, khi người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác, kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ Công đoàn không chuyên trách thì phải thỏa thuận bằng văn bản với BCH Công đoàn cơ sở hoặc Ban chấp hành cấp trên trực tiếp cơ sở. Trong trường hợp không thỏa thuận được, hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Thư Viện Pháp Luật