Quyết định sa thải người lao động

Tôi đang làm việc tại một công ty sản xuất ở KCN Nhơn Trạch. Vừa qua, vợ tôi sinh con được hai tháng tuổi thì bị bệnh hiểm nghèo và qua đời. Trong thời gian đó, do phải chăm con nhỏ nên tôi thường đi làm muộn mỗi ngày khoảng một giờ. Tôi bị quản lý nhắc nhở về việc đi làm muộn. Ðến ngày 31-7-2014, tôi bị giám đốc nhân sự gọi lên và quyết định sa thải vì lý do tôi vi phạm nội quy lao động, thường xuyên đi làm muộn. Ðề nghị luật sư tư vấn cho tôi việc công ty quyết định sa thải tôi như thế có đúng hay sai? Nếu sai tôi phải làm thế nào để bảo vệ quyền lợi của mình?

Theo quy định tại Khoản 3, Ðiều 31, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, trường hợp chỉ có cha hoặc mẹ tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ đều tham gia bảo hiểm xã hội mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ sáu tháng tuổi. 
Chế độ thai sản mà người cha được hưởng, theo Ðiều 155, Bộ luật Lao động, bao gồm: Trong thời gian nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động; …
Như vậy, bạn có quyền được hưởng chế độ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc và được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động; không bị xử lý kỷ luật lao động trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi…
Do đó, việc công ty bạn ra quyết định sa thải vì lý do bạn vi phạm nội quy lao động, thường xuyên đi làm muộn trái với các quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và Bộ luật Lao động năm 2012.
Ðể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể khiếu nại đến phòng LÐ-TBXH huyện Nhơn Trạch hoặc khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện Nhơn Trạch để yêu cầu hủy quyết định sa thải trái pháp luật và nhận bạn trở lại làm việc căn cứ theo quy định tại Ðiều 201, Bộ luật Lao động.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào