Sa thải người lao động như thế nào mới đúng luật?

Ngày 1-8, công ty tôi bắt quả tang một công nhân ăn cắp một số phụ tùng có giá trị khoảng 1 triệu đồng. Trong nội quy lao động của công ty có quy định, công nhân nào ăn cắp tài sản có giá trị từ 1 triệu đồng trở lên thì bị sa thải. Vì vậy, ngày 12-8, giám đốc đã triệu tập hội đồng kỷ luật và ra quyết định sa thải công nhân này (công nhân này nghỉ từ ngày 2-8 nên không tham dự buổi họp kỷ luật này dù công ty đã mời ba lần). Tuy nhiên, đến ngày 17-8, công nhân này trở lại công ty làm việc. Sau khi nhận quyết định sa thải, anh này không đồng ý với quyết định của giám đốc vì cho rằng buổi họp kỷ luật không có anh ta là không hợp pháp. Sự phản ánh của anh này làm giám đốc băn khoăn. Xin hỏi luật sư, công ty chúng tôi đã tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục theo luật chưa?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 126, Bộ luật Lao động về áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải, hình thức xử lý kỷ luật sa thải được người sử dụng lao động áp dụng trong trường hợp người lao động có hành vi trộm cắp.

Mặc dù đã bắt quả tang hành vi ăn trộm của anh công nhân đó, nhưng việc xử lý kỷ luật sa thải cần phải tuân thủ đúng các trình tự, thủ tục luật định. Trình tự, thủ tục mà công ty bạn đã thực hiện phù hợp với các quy định của Bộ luật Lao động năm 1994 đã hết hiệu lực nhưng trái với quy định của Bộ luật Lao động hiện hành.

Theo đó, Khoản 1, Điều 123, Bộ luật Lao động hiện hành quy định:

a) Người sử dụng lao động phải chứng minh được lỗi của người lao động;

b) Phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở;

c) Người lao động phải có mặt và có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa; trường hợp là người dưới 18 tuổi thì phải có sự tham gia của cha, mẹ hoặc người đại diện theo pháp luật;

d) Việc xử lý kỷ luật lao động phải được lập thành biên bản.

Biên bản xử lý vi phạm kỷ luật lao động cần phải có các nội dung chủ yếu dưới đây:

Ngày, tháng, năm, địa điểm xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

Họ, tên, chức trách những người có mặt;

Hành vi vi phạm kỷ luật lao động, mức độ vi phạm, mức độ thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp (nếu có);

Ý kiến của đương sự, của người bào chữa, hoặc người làm chứng (nếu có);

Ý kiến của đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở;

Kết luận về hình thức xử lý vi phạm kỷ luật lao động, mức độ thiệt hại, mức bồi thường và phương thức bồi thường (nếu có);

Đương sự, đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở, người có thẩm quyền xử lý vi phạm kỷ luật lao động ký vào biên bản. Đương sự, đại diện Ban chấp hành Công đoàn cơ sở có quyền ghi ý kiến bảo lưu; nếu không ký thì phải ghi rõ lý do.

Như vậy, việc người lao động không có mặt mà công ty vẫn ra quyết định sa thải đã trái với quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 123, Bộ luật Lao động hiện hành.

Bạn cần lưu ý Khoản 4, Điều 123, Bộ luật Lao động về nguyên tắc xử lý kỷ luật, công ty không được xử lý kỷ luật lao động đối với người lao động đang trong thời gian sau đây:

“a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;

b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;

c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại Khoản 1, Điều 126 của Bộ luật này;

d) Lao động nữ có thai, nghỉ thai sản; người lao động nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi”.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Người lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào