Làm sao để đòi lại tiền lương khi nghỉ việc?

Chúng tôi làm việc tai một công ty tư nhân (có ký hợp đồng lao động) đã được hơn 2 năm. Ngày 2-8-2014, tôi có mâu thuẫn và cãi nhau với trưởng phòng mới. Công ty dựa vào cớ đó ra quyết định sa thải tôi và một chị cùng làm. Nhưng khi chúng tôi đã nghỉ làm rồi thì toàn bộ số tiền lương đi làm trong tháng 7 và số tiền đặt cọc trong 2 năm làm việc (mỗi tháng là 100.000 đồng) bị công ty thu giữ không một lời giải thích. Khi chúng tôi gặp trực tiếp giám đốc công ty (người ký hợp đồng lao động) thì giám đốc hứa hẹn, sau đó tắt máy không cho chúng tôi liên lạc. Giám đốc nhắn tin với một số lao động ở văn phòng công ty là thu giữ tiền của chúng nó đấy muốn đi đâu kiện thì đi. Vậy xin hỏi luật sư, chúng tôi phải làm gì để lấy lại số tiền đó và quyền lợi của chúng tôi trong trường hợp này sẽ được giải quyết như thế nào, khi mà toàn bộ nhân viên văn phòng công ty đều không nghe điện thoại của chúng tôi, hoặc có nghe nhưng lại thách muốn đi đâu kiện cũng được.


Sa thải là một trong các hình thức xử lý kỷ luật lao động khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động. Hình thức sa thải, theo quy định tại Ðiều 126 của Bộ luật Lao động, chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau: 
- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
- Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng. 
Các trường hợp được coi là có lý do chính đáng bao gồm: thiên tai, hỏa hoạn, bản thân, thân nhân bị ốm có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Nhìn các căn cứ trên, không có quy định về việc sa thải người lao động khi nảy sinh mâu thuẫn và cãi nhau với trưởng phòng. Do đó, cần khẳng định rằng, quyết định sa thải của công ty đối với bạn là một quyết định trái pháp luật.
Hành vi yêu cầu người lao động đặt cọc mỗi tháng 100.000 đồng trong toàn bộ thời gian làm việc là hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, là hành vi vi phạm quy định của pháp luật. Theo đó, căn cứ theo quy định tại Khoản 2, Ðiều 20, Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
Ðể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể khởi kiện ra tòa án nơi công ty có trụ sở căn cứ theo quy định tại Ðiều 201, Bộ luật Lao động; hoặc khởi kiện tại tòa án nơi mình cư trú, làm việc căn cứ theo quy định tại Ðiểm đ, Khoản 1, Ðiều 36, Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành, trong đó, bạn có thể yêu cầu hủy bỏ quyết định sa thải trái pháp luật của công ty, nhận bạn trở lại làm việc, bồi thường các khoản tiền lương, BHXH, BHYT, BHTN trong khoảng thời gian không làm việc…
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Tiền lương

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào