Chấm dứt hợp đồng lao động vì làm việc không đạt

Tôi vào làm thì công ty ký hợp đồng lao động thời hạn 1 năm, trong đó, thời gian thử việc từ 2-6 đến 1-8-2014. Vừa rồi, ngày 10-8 giám đốc viết mail sẽ họp đánh giá vào ngày 11, sau cuộc họp thì đánh giá không đạt và đưa ra đề xuất sẽ chấm dứt hợp đồng vào 18-8 (tôi chưa đồng ý ký vào biên bản đánh giá). Như vậy công ty có vi phạm luật không vì tôi đã hết thời gian thử việc, nếu vi phạm thì thủ tục khởi kiện ra sao? Cảm ơn luật sư nhiều.


Theo quy định tại Khoản 1, Ðiều 18, Bộ luật Lao động năm 2012 có hiệu lực từ 1-5-2013, trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động. Tuy nhiên, người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu có thỏa thuận về việc làm thử thì các bên có thể giao kết hợp đồng thử việc. Căn cứ quy định tại Ðiều 27, Bộ luật Lao động năm 2012, khi việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết hợp đồng lao động với người lao động. Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận.
Trở lại trường hợp của bạn, giữa bạn và công ty không giao kết hợp đồng thử việc mà thỏa thuận ghi thời gian thử việc (từ 2-6 đến 1-8-2014) vào nội dung của hợp đồng lao động. Như vậy, hợp đồng lao động đã được hai bên thỏa thuận có hiệu lực từ ngày 2-8-2014. Sự thỏa thuận này hoàn toàn phù hợp với quy định tại Ðiều 25, Bộ luật Lao động về hiệu lực của hợp đồng lao động. Theo đó, hợp đồng lao động có hiệu lực kể từ ngày các bên giao kết trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
Do đó, chỉ trong khoảng thời gian từ 2-6 đến 1-8-2014, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận. Khi kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc cho công ty thì hợp đồng lao động đương nhiên có hiệu lực kể từ ngày 2-8-2014.
Vì vậy, xem xét dưới góc độ pháp lý, đề xuất của công ty về việc chấm dứt hợp đồng vào ngày 18-8 là một đề xuất thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với người lao động. Trường hợp người lao động đồng ý thì hai bên thỏa thuận chấm dứt quan hệ lao động đó. 
Trường hợp người lao động không đồng ý, công ty muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải tuân thủ theo quy định tại Ðiều 38, Bộ luật Lao động. Theo đó, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải có căn cứ pháp luật và tuân thủ thời gian báo trước cho NLÐ.
Theo đó, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn trong những trường hợp sau đây:
- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục mà khả năng lao động chưa hồi phục.
- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
Từ những viện dẫn nêu trên, nếu công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn vào ngày 18-8 là quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Ðể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể khiếu nại đến phòng LÐ-TBXH nơi công ty có trụ sở hoặc khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu hủy quyết định sa thải trái pháp luật và nhận bạn trở lại làm việc căn cứ theo quy định tại Ðiều 201, Bộ luật Lao động.
 

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Hợp đồng lao động

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào