Thủ tục nhận lại sổ BHXH
Theo quy định tại Khoản 3, Ðiều 37, Bộ luật Lao động, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày. Như vậy, không phụ thuộc vào sự đồng ý của người sử dụng lao động, người lao động chỉ cần làm một văn bản thông báo chấm dứt hợp đồng lao động hoặc cũng có thể dùng mẫu đơn xin nghỉ việc của công ty và báo trước ít nhất 45 ngày thì được xem là chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật.
Khi chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật, bạn hoàn toàn có quyền hưởng các khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật như trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp, được thanh toán tiền phép năm chưa sử dụng…
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Ðiều 15 và Ðiểm c, Khoản 1, Ðiều 18, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006, người lao động có quyền nhận sổ bảo hiểm xã hội khi không còn làm việc; và người sử dụng lao động có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi người đó không còn làm việc.
Như vậy, theo các quy định viện dẫn ở trên, việc không trả các khoản trợ cấp, sổ bảo hiểm… của công ty bạn đã vi phạm các quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006.
Bạn có thể khởi kiện ra tòa án nơi công ty có trụ sở (theo quy định tại Ðiều 201, Bộ luật Lao động) hoặc khởi kiện tại tòa án nơi mình cư trú, làm việc (theo quy định tại Ðiểm đ, Khoản 1, Ðiều 36, Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành) để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thư Viện Pháp Luật