Viết di chúc phân chia tài sản
Theo quy định của pháp luật thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp ở ngân hàng bạn vẫn có thể lập di chúc phân chia di sản, vì quyền sở hữu tài sản đó vẫn đang thuộc về bạn. Bạn liên hệ Ngân hàng để mượn lại Giấy chứng nhận và liên hệ với UBND xã nơi bạn ở hoặc Văn phòng công chứng để được làm di chúc.
Căn cứ vào điều 646 của Bộ luật Dân sự 2005 có nêu: “ Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm Chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết.” Do đó để lại di sản của mình cho ai khi mình chết là quyền của mình, không ai được quyền can thiệp. Tuy nhiên bạn cũng nên lưu lý những người hưởng di sản không phụ thuộc vào di chúc như sau:
Điều 669. Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc
Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật, nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó, trừ khi họ là những người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 642 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 643 của Bộ luật này:
1. Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;
2. Con đã thành niên mà không có khả năng lao động.
Khi lập di chúc bạn tuân thủ các hình thức của di chúc theo quy định của Bộ Luật dân sự như sau:
Điều 649.Hình thức của di chúc
Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
Người thuộc dân tộc thiểu số có quyền lập di chúc bằng chữ viết hoặc tiếng nói của dân tộc mình.
Điều 650. Di chúc bằng văn bản
Di chúc bằng văn bản bao gồm:
1. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng;
2. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng;
3. Di chúc bằng văn bản có công chứng;
4. Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Điều 651. Di chúc miệng
1. Trong trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng.
2. Sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị huỷ bỏ.
Thư Viện Pháp Luật