Đi làm vào ngày nghỉ
Quan hệ lao động giữa người lao động với người sử dụng lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.
Khoản 1, Điều 110, Bộ luật Lao động quy định, mỗi tuần, người lao động được nghỉ ít nhất 24 giờ liên tục. Trong trường hợp đặc biệt do chu kỳ lao động không thể nghỉ hằng tuần, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm cho người lao động được nghỉ tính bình quân 1 tháng ít nhất 4 ngày. Ngoài ra, Khoản 2, điều này quy định người sử dụng lao động có quyền quyết định sắp xếp ngày nghỉ hằng tuần vào ngày chủ nhật hoặc một ngày cố định khác trong tuần nhưng phải ghi vào nội quy lao động.
Từ viện dẫn trên, có thể nhận thấy, việc bố trí ngày nghỉ hằng tuần không phải là ngày chủ nhật được đặt trong điều kiện là do chu kỳ lao động, chứ không phải vì lý do nguyên vật liệu sản xuất hết đột ngột.
Theo chúng tôi hiểu, trường hợp người lao động nghỉ làm vì nguyên vật liệu sản xuất hết đột ngột thuộc trường hợp phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động và người lao động được trả đủ tiền lương căn cứ theo quy định tại Khoản 1, Điều 98, Bộ luật Lao động.
Do đó, việc phải đi làm bù ngày chủ nhật vì lý do phải ngừng việc ngày làm trong tuần do lỗi của người sử dụng lao động (không chuẩn bị kế hoạch nên nguyên vật liệu sản xuất hết đột ngột) không thể tính là ngày làm bù mà phải tính là ngày làm thêm giờ. Người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần được trả lương ít nhất bằng 200% tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc đang làm căn cứ theo quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 97, Bộ luật Lao động.
Thư Viện Pháp Luật