Quy định về việc ký hợp đồng lao động

Tôi làm việc tại một công ty ở khu công nghiệp Sông Mây từ tháng 12-2012. Khi vừa vào làm, công ty trên không ký kết hợp đồng lao động (kể cả đợp đồng thử việc) và có giữ bằng tốt nghiệp đại học của tôi (có giấy biên nhận, chữ ký của giám đốc). Ðến tháng 7-2014, tôi xin nghỉ việc do làm việc căng thẳng. Khi đó, tôi đã yêu cầu công ty trên hoàn trả lại bằng tốt nghiệp đại học nhưng không được. Tháng 8-2014, giám đốc công ty trên nói qua điện thoại là không trả lại bằng cho tôi. Bây giờ, tôi muốn khởi kiện đòi lại bằng tốt nghiệp và công bằng cho những tổn thất của tôi do không có bằng để xin công việc khác thì tôi cần làm những gì? Gửi đơn thư đến đâu? Chi phí gồm những gì? Rất mong luật sư tư vấn. Tôi xin chân thành cảm ơn.

Bộ luật Lao động 2012 quy định về việc ký hợp đồng lao động như sau:
“Ðiều 18. Nghĩa vụ giao kết hợp đồng lao động
1. Trước khi nhận người lao động vào làm việc, người sử dụng lao động và người lao động phải trực tiếp giao kết hợp đồng lao động.
Trong trường hợp người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì việc giao kết hợp đồng lao động phải được sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật của người lao động.
2. Ðối với công việc theo mùa vụ, công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng thì nhóm người lao động có thể ủy quyền cho một người lao động trong nhóm để giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản; trường hợp này hợp đồng lao động có hiệu lực như giao kết với từng người”.
Mặt khác, Ðiều 20, Bộ luật Lao động cấm người sử dụng lao động được giữ giấy tờ tùy thân, bằng cấp, chứng chỉ gốc của người lao động.
Vi phạm các quy định của pháp luật, người sử dụng lao động bị xử lý theo Nghị định 95/2013/NÐ-CP của Chính phủ như sau:
Ðiều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động 
1. Phạt tiền người sử dụng lao động khi có một trong các hành vi: Không giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản đối với công việc cố định có thời hạn trên 3 tháng; không giao kết đúng loại hợp đồng lao động với người lao động theo quy định tại Ðiều 22 của Bộ luật Lao động theo một trong các mức sau đây:
a) Từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người lao động;
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;
b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại Ðiểm a, Khoản 2 Ðiều này;
b) Buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Ðiểm b, Khoản 2 Ðiều này.
Ðể bảo vệ quyền lợi của mình, bạn nên làm đơn tố cáo sai phạm của công ty này tới các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động như: Phòng LÐ-TBXH, Thanh tra lao động, yêu cầu xử lý nghiêm và buộc công ty này phải trả bằng tốt nghiệp đại học gốc cho bạn.
Mặt khác, bạn có thể khởi kiện công ty ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp có trụ sở chính để làm rõ những tranh chấp trong quan hệ lao động liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng để bảo vệ quyền lợi của mình.
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào