Ký kết hợp đồng lao động
Theo thông tin bạn nêu, chúng tôi hiểu rằng, công ty bạn thuộc đối tượng chuyển đổi từ công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên căn cứ theo Khoản 3, Ðiều 7, Nghị định số 25/2010/NÐ-CP ban hành ngày 19-3-2010 về chuyển đổi công ty Nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo đó, Ðiều 5 của nghị định này khẳng định công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có trách nhiệm kế thừa các quyền, lợi ích hợp pháp và các nghĩa vụ của doanh nghiệp chuyển đổi theo quy định của pháp luật.
Như vậy, nghĩa vụ của công ty chấp hành pháp luật lao động phải được thực hiện. Ðiều đó có nghĩa là các thỏa thuận trước đây với người lao động như thế nào thì sau khi chuyển đổi loại hình, doanh nghiệp chuyển đổi vẫn phải tuân thủ các thỏa thuận như thế đó. Tức là, hợp đồng lao động không xác định thời hạn đã ký trước đây vẫn có hiệu lực pháp lý buộc các bên phải tuân thủ và thi hành.
Việc giám đốc công ty ban hành biên bản thanh lý hợp đồng lao động và hợp đồng lao động có thời hạn một năm, chưa ký tên và đóng dấu đỏ khi gửi cho toàn thể cán bộ công nhân viên được hiểu là một đề nghị sửa đổi hợp đồng lao động giữa hai bên tham gia quan hệ lao động.
Nếu hợp đồng lao động có thời hạn một năm đã được giám đốc công ty ký tên và đóng dấu đỏ trước khi gửi cho toàn thể cán bộ công nhân viên ký sẽ có thể được hiểu là một sự ép buộc người lao động phải thực hiện yêu cầu này.
Với đề nghị như vậy, bạn có thể đồng ý hoặc không đồng ý ký vào hai văn bản đó. Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Ðiều 35, Bộ luật Lao động, trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới; trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Thư Viện Pháp Luật