Chuyển người lao động sang làm vị trí khác vì nuôi con nhỏ
Căn cứ theo các quy định hiện hành của Bộ luật Lao động, hành vi thuyên chuyển bạn sang vị trí công việc khác với mức lương thưởng thấp hơn của công ty là hành vi vi phạm pháp luật. Ðiều 158, Bộ luật Lao động quy định về bảo đảm việc làm cho lao động nữ nghỉ thai sản khẳng định, lao động nữ được bảo đảm việc làm cũ khi trở lại làm việc sau khi nghỉ hết thời gian theo quy định của pháp luật; trường hợp việc làm cũ không còn thì người sử dụng lao động phải bố trí việc làm khác cho họ với mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản.
Như vậy, nếu công việc cũ vẫn còn thì công ty không được chuyển bạn sang làm việc ở vị trí khác. Công ty chỉ có thể bố trí việc làm khác cho bạn trong trường hợp việc làm cũ không còn với điều kiện mức lương không thấp hơn mức lương trước khi nghỉ thai sản. Trong trường hợp này, người lao động phải chấp nhận công việc mới này. Tuy nhiên, khi bố trí công việc mới thì người sử dụng phải căn cứ vào trình độ, khả năng của người lao động mà phân công công việc sao cho hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên.
Trường hợp công việc cũ vẫn còn mà người sử dụng lao động muốn chuyển người lao động sang vị trí khác thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động căn cứ theo Ðiều 35, Bộ luật Lao động hiện hành. Theo đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, nếu bên nào có yêu cầu sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì phải báo cho bên kia biết trước ít nhất 3 ngày làm việc về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Trong trường hợp hai bên thỏa thuận được thì việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động được tiến hành bằng việc ký kết phụ lục hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng lao động thì tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động đã giao kết.
Thư Viện Pháp Luật