Hình thức kỷ luật buộc thôi việc
Buộc thôi việc không áp dụng cho người lao động trong các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, nó áp dụng cho viên chức, công chức.
Việc áp dụng các chế định khác nhau để chấm dứt mối quan hệ lao động giữa công ty và người lao động sẽ dẫn đến những hậu quả pháp lý khác nhau, bao gồm hình thức sa thải và đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Sa thải là một trong các hình thức xử lý kỷ luật lao động khi người lao động vi phạm kỷ luật lao động. Hình thức sa thải, theo quy định tại Ðiều 126 của Bộ luật lao động, chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Người lao động có hành vi trộm cắp, tham ô, đánh bạc, cố ý gây thương tích, sử dụng ma túy trong phạm vi nơi làm việc, tiết lộ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người sử dụng lao động, có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đe dọa gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tài sản, lợi ích của người sử dụng lao động;
- Người lao động bị xử lý kỷ luật kéo dài thời hạn nâng lương mà tái phạm trong thời gian chưa xóa kỷ luật hoặc bị xử lý kỷ luật cách chức mà tái phạm.
- Người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng.
Nhìn các căn cứ trên, không có quy định về việc sa thải người lao động với lý do là sử dụng máy của người khác mà không được sự cho phép. Do đó, nếu công ty ban hành quyết định sa thải đối với bạn thì đó là một quyết định trái pháp luật.
Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty phải tuân thủ theo quy định tại Ðiều 38 Bộ luật Lao động. Theo đó, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động phải có căn cứ pháp luật và tuân thủ thời gian báo trước cho người lao động.
Theo đó, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trong những trường hợp sau đây:
- Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
- Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 6 tháng liên tục mà khả năng lao động chưa hồi phục.
- Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
Từ những viện dẫn nêu trên, nếu công ty ra quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với bạn vì lý do là sử dụng máy của người khác mà không được sự cho phép thì đó là quyết định đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Ðể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể khiếu nại đến phòng LÐ-TBXH nơi công ty có trụ sở hoặc khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện nơi công ty có trụ sở để yêu cầu hủy quyết định sa thải trái pháp luật và nhận bạn trở lại làm việc căn cứ theo quy định tại Ðiều 201, Bộ luật Lao động.
Thư Viện Pháp Luật