Tham gia hoạt động thanh niên xung phong được hưởng chính sách chế độ như thế nào?

Vợ tôi là Nguyễn Thị Tuyết đi tham gia Thanh niên xung phong từ năm 1972 đến năm 1975 thì hoàn thành nhiệm vụ trở về quê. Sau đó vợ tôi tham gia công tác ở thôn và hợp tác xã Ngọc Lâm huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên. Trước khi đi TNXP vợ tôi đang công tác tại UBND xã Ngọc Lâm. Tính tổng thời gian công tác tại chính quyền và tham gia TNXP là trên 25 năm. Do khó khăn vợ chồng tôi đã chuyển vào huyện CaKar tỉnh Đắc Lắc làm ăn sinh sống. Vợ tôi không có lương cũng như phụ cấp gì. Hai vợ chồng sống bằng lương hưu mất sức lao động của tôi. Nay tôi muốn nhờ báo pháp luật chuyên mục giải đáp pháp luật tư vấn cho tôi biết: Vợ tôi được hưởng chính sách ưu đãi gì không? Thủ tục để được hưởng trợ cấp phải thực hiện như thế nào? Thời gian công tác tại địa phương của vợ tôi có được xét giải quyết chế độ phụ cấp hàng tháng không?

Thứ nhất : Đối với vấn đề hưởng chính sách ưu đãi do có tham gia hoạt động thanh niên xung phong

Theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 40/2011/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến thì: 

1. Thanh niên xung phong tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định này được hưởng chế độ trợ cấp một lần, tính theo số năm thực tế trực tiếp tham gia kháng chiến, cụ thể như sau:

a) Từ đủ 2 năm trở xuống, mức hưởng trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng;

b) Trên 2 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.

Khi tính thời gian thực hiện chế độ trợ cấp một lần, nếu có tháng lẻ thì đủ 6 tháng trở lên được tính tròn một năm, dưới 6 tháng được tính nửa (1/2) năm.

Do chị Nguyễn Thị Tuyết đi TNXP trong 3 năm (từ 1972 đến 1975) như vậy trường hợp của chị được hưởng trợ cấp một lần là 3.300.000 đồng.

Thủ tục xét hưởng trợ cấp: Đối tượng TNXP hoặc thân nhân của TNXP (trường hợp TNXP đã từ trần) thực hiện nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định  cho  Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

Hồ sơ bao gồm:

- Một trong các giấy tờ sau đây chứng minh là TNXP (là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã):

+ Lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên khai trước ngày 4/4/1999 

+ Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi TNXP trở về địa phương như: Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị quản lý TNXP;  Giấy chuyển thương, chuyển viện, phiếu sức khoẻ; Giấy khen trong thời gian tham gia lực lượng TNXP; Giấy chứng nhận tham gia TNXP; Giấy điều động công tác, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ.

+ Trường hợp TNXP không còn một trong các giấy tờ trên thì phải nộp bản khai có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi tham gia TNXP (bản chính). Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác nhận bản khai đối với đối tượng là người địa phương đi TNXP nhưng hiện đang đăng ký hộ khẩu thường trú ở địa phương khác 

- Bản khai cá nhân (theo mẫu).

Sau khi nộp cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tiến hành xét duyệt hồ sơ của chị theo quy định của pháp luật.

Thứ hai: Đối với vấn đề hưởng chế độ phụ cấp hàng tháng do có thời gian công tác tại UBND xã Ngọc Lâm

Vì anh không cung cấp cho chúng tôi biết thông tin về việc thời gian vợ anh công tác tại UBND xã Ngọc Lâm vợ anh có tham gia BHXH hay không? Và thời gian đóng BHXH là bao nhiêu lâu nên chúng tôi chỉ có thể trả lời anh là hiện nay chưa có quy định nào của pháp luật về việc được hưởng trợ cấp bảo hiểm hàng tháng do có thời gian công tác ở địa phương. Nếu vợ anh có thời gian công tác và tham gia đóng BHXH theo quy định thì có thể được xem xét hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với người không đủ chế độ hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng nếu đối với người đủ chế độ hưởng lương hưu.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào