Quy định về việc sử dụng tài sản chung để đầu tư kinh doanh và chia tài sản không có di chúc được áp dụng như thế nào?
Để có thể đưa ra ý kiến tư vấn cụ thể, chính xác, chúng tôi cần được cung cấp đầy đủ các thông tin, hồ sơ, giấy tờ liên quan. Vì vậy, căn cứ trên những thông tin mà ông cung cấp qua thư, chúng tôi chỉ có thể đưa ra những nhận định, những ý kiến tư vấn mang tính chất định hướng. Cụ thể như sau:
1. Tính hợp pháp của việc chuyển nhượng mảnh đất
Hai mảnh đất (mỗi mảnh có diện tích 85 m2) được anh mua trước khi kết hôn với bà D, nhưng sau khi kết hôn, hai người đã thỏa thuận nhập khối tài sản này vào tài sản chung của vợ chồng nên hai mảnh đất thuộc quyền sở hữu chung của ông và bà D theo quy định tại Điều 27, Luật HN&GĐ 2000.
Khoản 3 Điều 28, Luật HN&GĐ 2000 có quy định: “Việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình, việc dùng tài sản chung để đầu tư kinh doanh phải được vợ chồng bàn bạc, thỏa thuận.” Tuy nhiên, bà D đã tự ý chuyển nhượng mảnh đất 85m2 cho ông Nguyễn Văn Bắc mà không có sự bàn bạc, thỏa thuận với ông về việc chuyển nhượng này. Do đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất sẽ có thể bị coi là hợp đồng vô hiệu vì đã vi phạm điều kiện về chủ thể ký kết hợp đồng.
Để bảo vệ quyền lợi của mình, ông có quyền khởi kiện ra Tòa để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp này. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai là TAND cấp huyện nơi có đất.
2. Vấn đề chia thừa kế
Bà D chết không để lại di chúc nên di sản của bà D sẽ được chia thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 675 BLDS 2005. Do bố mẹ bà D đã mất, nên hàng thừa kế thứ nhất của bà D bao gồm: ông và Cháu Ly (là con riêng của bà D với người chồng cũ). Nếu ông và cháu Ly không thuộc trường hợp người không được quyền hưởng di sản thừa kế quy định tại Điều 643, BLDS 2005 và cả hai đều không từ chối nhận di sản thừa kế thì phần di sản của bà D sẽ được chia đều cho hai người, mỗi người một nửa di sản.
Thư Viện Pháp Luật