Xử lý kỷ luật lao động

Tôi nghỉ chế độ thai sản được 2 tháng thì công ty phát hiện ra tôi vi phạm nội quy công ty. Trong thời gian đó, tôi không đến công ty do con đang còn nhỏ. Sau khi hết thời gian nghỉ chế độ 6 tháng, tôi trở lại công ty thì công ty yêu cầu tôi viết đơn xin nghỉ việc và phạt một khoản tiền thất thoát do tôi đã gây ra (thất thoát 500.000 đồng và phạt thêm 2.000.000 đồng). Tôi đã nộp phạt đầy đủ. Tuy nhiên, công ty chưa hoàn trả tiền BHXH thai sản mà tôi được hưởng và cũng chưa hoàn tất thủ tục nghỉ việc cho tôi mà buộc tôi ký vào biên bản có nội dung là “làm thất thoát hàng hóa và xử lý phạt 2.500.000 đồng, đồng thời để điều tra thêm”. Vậy tôi muốn hỏi trong trường hợp của tôi, công ty có được phép giữ tiền bảo hiểm của tôi và tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Và theo quy định thì công ty được trì hoãn điều tra bao lâu để giải quyết nghỉ việc cho tôi? Trong trường hợp này thì tôi được biết là công ty còn nghi ngờ tôi làm thất thoát nhiều hơn so với thực tế bị phát hiện và muốn có thêm thời gian để điều tra.


Theo như thông tin bạn đã nêu, chúng tôi nhận thấy có 4 khía cạnh cần được làm rõ: (i) Tạm đình chỉ công việc; (ii) Bồi thường thiệt hại; (iii) Chấm dứt quan hệ lao động; và (iv) Thanh toán chế độ thai sản.
Ðiều 129, Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định, người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc.
Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
Việc tạm đình chỉ công việc phục vụ cho công tác xử lý kỷ luật lao động qua việc xác minh hành vi vi phạm của người lao động. Ðể thực hiện được việc này, người sử dụng lao động phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở trước tiên.
Nếu công ty đã buộc bạn phải nộp một khoản tiền phạt vì những thất thoát do bạn đã gây ra, tức là bạn đã có hành vi vi phạm và công ty phải thực hiện thủ tục xử lý kỷ luật lao động theo quy định.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, công ty bạn không muốn thực hiện thủ tục xử lý kỷ luật lao động vì bạn đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi nên đã buộc bạn phải viết đơn xin nghỉ việc. Theo quy định tại Khoản 2, Ðiều 47, Bộ luật Lao động năm 2012, trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Do vậy, chế độ thai sản của bạn phải được thanh toán trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động.
Tóm lại, chúng tôi nhận thấy rằng, có nhiều hành vi vi phạm pháp luật lao động của công ty bạn đang làm việc căn cứ theo các quy định được viện dẫn ở trên.
Vì vậy, bạn có thể gửi đơn cho Phòng LÐ-TBXH nơi công ty có trụ sở để yêu cầu giải quyết các hành vi vi phạm pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
 

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào