Làm cách nào để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động khi tham gia vay tiền góp vốn phát triển doanh nghiệp?
Để có thể đưa ra ý kiến tư vấn cụ thể, chính xác, chúng tôi cần được cung cấp đầy đủ các thông tin, hồ sơ, giấy tờ liên quan. Vì vậy, căn cứ trên những thông tin mà ông/bà cung cấp qua thư, chúng tôi chỉ có thể đưa ra những nhận định, những ý kiến tư vấn mang tính chất định hướng. Cụ thể như sau:
Thứ nhất: Xét tính hợp pháp của việc Công ty bắt người lao động phải ký Hợp đồng vay tiền với Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Yên Bái
Việc doanh nghiệp vận động cán bộ và nhân viên trong Công ty cùng chia sẻ góp vốn trong thời điểm khó khăn là một việc làm có mục đích đúng đắn, giúp doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn và cũng là giúp nhân viêc có việc làm ổn định. Tuy nhiên, việc này phải xuất phát từ sự tự nguyện của các cán bộ và nhân viên chứ không thể ép buộc nhân viên phải thực hiện.
Việc Công ty yêu cầu mang tính bắt buộc toàn thể CBCNV phải ký một hợp đồng vay tiền với Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Yên Bái, rồi sau đó chuyển vào tài khoản công ty, công ty cũng không có một cam kết nào để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của mình cho nhân viên là trái với quy định của pháp luật và không đảm bảo lợi ích cho người lao động. Do đó, người lao động hoàn toàn có thể từ chối việc ký Hợp đồng vay tiền.
Thứ hai: Xét Hợp đồng vay tiền giữa người lao động và Ngân hàng
Hợp đồng vay tiền giữa các cá nhân với Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Yên Bái là một hợp đồng dân sự, do đó cần phải đảm bảo các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng được quy định tại Điều 122 Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, trong trường hợp này Công ty đã bắt buộc người lao động phải ký Hợp đồng vay tiền, do vậy đã vi phạm điều kiện có hiệu lực của hợp đồng đã được pháp luật quy định là: “Người tham gia hợp đồng hoàn toàn tự nguyện…”.
Ngoài ra, việc Ngân hàng chỉ đưa cho người lao động trang cuối của hợp đồng để ký mà không cho biết nội dung cũng như điều khoản của hợp đồng là vi phạm các nguyên tắc giao kết hợp đồng dân sự được quy định tại Điều 389 Bộ luật dân sự như:
“1. Tự do giao kết hợp đồng nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội;
2. Tự nguyện, bình đẳng, thiện chí, hợp tác, trung thực và ngay thẳng.”
Thứ ba: Hợp đồng cho vay vốn giữa Công ty và người lao động
Để số tiền mà người lao động đã vay của Ngân hàng chuyển vào tài khoản của Công ty để sử dụng thì giữa Công ty và những người lao động cần phải xác lập các hợp đồng vay vốn. Người lao động có thể tiến hành thỏa thuận về các điều khoản trong hợp đồng, đặc biệt trong đó cần phải xác định rõ trách nhiệm thanh toán nợ của Công ty.
Như vậy, việc ký kết tất cả các hợp đồng trên đều phải xuất phát từ sự tự nguyện của người lao động, nếu người lao động không muốn thực hiện thì không ai có quyền ép buộc và Công ty cũng không thể vì lý do này mà gây khó dễ hay buộc người lao động phải nghỉ việc.
Thư Viện Pháp Luật