Quy định về nghỉ việc không hưởng lương
Theo quy định tại Ðiều 116, Bộ luật Lao động năm 2012 về nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương như sau:
1. Người lao động được nghỉ việc riêng mà vẫn hưởng nguyên lương trong những trường hợp sau đây
a) Kết hôn: Nghỉ 3 ngày;
b) Con kết hôn: Nghỉ 1 ngày;
c) Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: Nghỉ 3 ngày.
2. Người lao động được nghỉ không hưởng lương 1 ngày và phải thông báo với người sử dụng lao động khi ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh, chị, em ruột chết; bố hoặc mẹ kết hôn; anh, chị, em ruột kết hôn.
3. Ngoài quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Ðiều 116 người lao động có thể thoả thuận với người sử dụng lao động để nghỉ không hưởng lương.
Theo đó, ngoài quy định của Khoản 2, Ðiều 116, Bộ luật Lao động năm 2012, pháp luật không điều chỉnh cụ thể về thời gian nghỉ không hưởng lương. Theo tinh thần ghi nhận tại Khoản 3, Ðiều 116, Bộ luật Lao động năm 2012, thời gian nghỉ không hưởng lương hoàn toàn phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động.
Như vậy, trong tình huống của bạn, việc nghỉ không hưởng lương thời gian dài phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa bạn và người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, bạn chỉ có thể bắt đầu nghỉ không hưởng lương trong một khoảng thời gian dài sau khi đã đạt được thỏa thuận với người sử dụng lao động. Nếu như không đạt được thỏa thuận mà bạn vẫn cố tình nghỉ thì người sử dụng lao động có thể căn cứ vào quy định tại Khoản 3, Ðiều 126, Bộ luật Lao động năm 2012 để xử lý kỷ luật lao động bằng hình thức sa thải trên cơ sở người lao động tự ý bỏ việc 5 ngày cộng dồn trong 1 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 1 năm mà không có lý do chính đáng.
Thư Viện Pháp Luật